Thi hành án dân sự: Khó thực hiện cơ chế miễn giảm

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù việc xét miễn giảm thi hành án dân sự (THADS) đã được thực hiện nhiều năm nay, tuy nhiên lượng án tồn đọng tại các cơ quan THADS vẫn rất lớn.

Theo Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp), năm 2018 đã có 6.502 việc được lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm, với số tiền trên 78,55 tỷ đồng. Cơ quan có thẩm quyền đã xét miễn, giảm tổng số 5.867 việc, tương ứng với số tiền trên 70 tỷ đồng. Để khắc phục tình trạng “biến án có thành không có điều kiện thi hành”, Bộ Tư pháp đã tổ chức các đoàn kiểm tra toàn diện và chuyên đề, định kỳ và đột xuất. Trong đó chú trọng kiểm tra công tác xác minh điều kiện thi hành án, qua đó đã giúp kết quả phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành chính xác hơn.
 Cán bộ thực hiện thi hành án dân sự tại một cơ sở ở Hà Nội.
Tại địa phương, các cơ quan THADS đã thực hiện nghiêm túc việc ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án và đăng tải công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên cổng, trang thông tin điện tử THADS. Qua đó, giúp người dân và đương sự giám sát tốt hơn việc phân loại án.
Tuy nhiên, cũng theo thống kê của Bộ Tư pháp, số án chuyển kỳ sau còn lớn (342.375 việc) với tổng số tiền chuyển kỳ sau là hơn 140.000 tỷ đồng. Trong số này có cả án phải thi hành cho ngân sách Nhà nước.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến án tồn đọng được nhiều địa phương chỉ ra là do các vụ án không đủ điều kiện để miễn giảm. Theo quy định tại điều 61 Luật THADS về điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước thì ngoài những điều kiện bắt buộc, người phải thi hành án còn phải “đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách” (theo hướng dẫn là đã chấp hành được 1/50 đối với nghĩa vụ phải thi hành).
Tuy nhiên, đối với các vụ án ma túy, số tiền phạt rất lớn nhưng nhiều người phải thi hành án là người nghiện ma túy, không có bất cứ tài sản nào để thi hành. Tình trạng này kéo dài từ năm này qua năm khác cũng không miễn giảm được.
Bên cạnh đó, nhiều người phải thi hành án khi đang chấp hành phạt tù trong trại giam thì không có thu nhập, tài sản. Ra tù không trở về địa phương, không rõ địa chỉ, tung tích. Những đối tượng này không có điều kiện để thi hành án (dù chỉ một phần) nên không đủ điều kiện xét miễn, giảm. Mặc dù người phải thi hành án không có tài sản để thi hành nhưng theo quy định của pháp luật thì chấp hành viên vẫn phải tiến hành xác minh, tùy trường hợp mà xác minh 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần. Việc này gây tốn kém công sức, thời gian và ngân sách.
Để tháo gỡ tình trạng nói trên, theo ý kiến một số cơ quan THADS thì ngoài lập hồ sơ làm công văn đề nghị Viện Kiểm sát, Tòa án xem xét miễn, giảm hàng năm đối với số việc đã phân loại đủ điều kiện theo quy định, cơ quan THADS cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương xã, phường đôn đốc, xác minh vận động người thân của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, chưa có điều kiện thi hành án nộp thay một phần bằng 1/50 để đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị xem xét miễn, giảm theo quy định.
Đối với những vụ việc không rõ địa chỉ, tiếp tục phối hợp, xác minh làm rõ. Trên cơ sở xác minh, làm rõ được tài sản, nơi cư trú, nơi có trụ sở của người phải thi hành án để ra các quyết định về thi hành án như kê biên tài sản, khấu trừ tiền trong tài khoản, ủy thác thi hành án.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về THADS để người dân tự nguyện chấp hành; tiếp tục phối hợp với các trại tạm giam vận động thân nhân người phải thi hành án tự nguyện thi hành phần dân sự trong bản án hình sự; tổ chức cưỡng chế các việc có điều kiện thi hành...