Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Ngoại chưa thể át nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc bị rời khỏi top 30, thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua cũng chứng kiến không ít những doanh nghiệp (DN) bán lẻ hàng đầu thế giới tìm đến đầu tư, mở chi nhánh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế tại buổi tọa đàm về những giải pháp phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam (ngày 13/11) lại cho rằng, trong tương lai gần, DN ngoại chưa thể "át" được doanh nghiệp nội.

Bức tranh vẫn có nhiều điểm sáng

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, hiện hệ thống bán lẻ Việt Nam có khoảng 700 siêu thị, trong đó các tập đoàn nước ngoài mới chỉ chiếm 40%; 125 trung tâm thương mại, trong đó TTTM của tập đoàn nước  ngoài đầu tư quản lý chiếm 25%.Thực tế trong thời gian qua, nhiều DN trong nước bằng những nỗ lực của chính mình đang cố gắng làm chủ "cuộc chơi" trên sân nhà. Sau 7 năm xây dựng, hiện hệ thống siêu thị Hapro Mart (đơn vị quản lý là Tổng Công ty Thương mại Hà Nội) có 120 điểm kinh doanh gồm siêu thị, cửa hàng tiện ích tại Hà Nội và 7 tỉnh, TP tại miền Bắc, miền Trung. Tại các tỉnh phía Nam, hệ thống siêu thị Saigon Co.op sau nhiều năm xây dựng hệ thống bán lẻ cũng đang sở hữu 63 siêu thị Co.opMart, 1 đại siêu thị Co.opXtraplus…
 
Hệ thống siêu thị của Hapro đang ngày càng được mở rộng tại nhiều địa phương trên cả nước.
Hệ thống siêu thị của Hapro đang ngày càng được mở rộng tại nhiều địa phương trên cả nước.

Không chỉ đẩy mạnh xây dựng hệ thống bán lẻ, một số DN Việt Nam còn "thôn tính" DN bán lẻ nước ngoài. Vừa qua, Family Mart (một DN bán lẻ của Nhật Bản) đã phải bán toàn bộ cổ phần liên doanh siêu thị với Tập đoàn Phú Thái (Hà Nội). Điều đó cho thấy, DN bán lẻ trong nước đang là "đối trọng" đối với nhiều DN bán lẻ nước ngoài.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam phân tích: Sở dĩ DN trong nước có được thành công này, ngoài sự am hiểu về người tiêu dùng nội địa, cộng với lợi thế về mạng lưới phân phối vốn có từ những thời kỳ trước, phải thừa nhận rằng, nhiều DN bán lẻ trong nước đã bước đầu tạo dựng được mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết lâu năm và có sự am hiểu, chia sẻ với các nhà cung cấp. Trong khi đó phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đều phải bắt đầu từ đầu.

Tăng tính chủ động

Ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc điều hành hệ thống Hapro Mart cho rằng, so với các đối thủ nước ngoài, DN bán lẻ trong nước còn có lợi thế trong việc trực tiếp đầu tư vào sản xuất để có được nguồn hàng sạch, bảo đảm an toàn. Mặc dù các DN bán lẻ Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong việc chiếm lĩnh thị phần bán lẻ, nhưng theo lộ trình gia nhập WTO đến năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho DN nước ngoài.

Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam cho biết: Trong quá trình phát triển, DN bán lẻ trong nước đang đối mặt với quá nhiều thách thức, đặc biệt là những cơ chế khuyến khích đầu tư. Hiện giá đất của Việt Nam vẫn đứng ở mức cao, nhưng Nhà nước lại yêu cầu DN khi thuê đất để đầu tư trung tâm thương mại phải trả tiền một lần trên cơ sở hợp đồng thuê đất. Trong khi DN trong nước chưa có đơn vị nào có số vốn lên đến 100 triệu USD như DN nước ngoài. Vì vậy, nếu phải trả tiền một lần, DN sẽ khó đầu tư tập trung ngay từ đầu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh.

Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, mặc dù không có chính sách cụ thể ưu đãi các DN bán lẻ ngoại nhưng ở một số địa phương, không ít DN loại này vẫn được hưởng sự ưu ái. Đơn cử như mặt bằng, có địa phương DN nội phải chờ đợi rất lâu để xin mặt bằng nhưng DN ngoại lại được ưu tiên bố trí sớm...

 

Nhằm hỗ trợ DN trong nước phát triển hệ thống bán lẻ, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và nhiều DN thương mại kiến nghị: Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ DN mạnh hơn nữa (không trái với các cam kết gia nhập WTO, FTA…) như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu thị trường, hệ thống logistic; xây dựng thương hiệu cũng như tư vấn pháp lý trong việc liên kết nhà sản xuất - nhà phân phối...

 

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, chính bản thân các DN bản lẻ phải xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài, đẩy mạnh liên kết để có tiếng nói chung. Ngoài ra, các DN cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn hàng cung ứng cho siêu thị, đây là cơ sở quan trọng để chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.

 
Để thu hút vốn đầu tư vào hệ thống bán lẻ, Vụ Thị trường trong nước đã đề xuất với Bộ KH&ĐT đưa mô hình kinh doanh chợ truyền thống vào diện ưu đãi đầu tư đặc biệt. Trong thời gian tới, hy vọng Chính phủ chấp nhận kiến nghị này để mô hình này có cơ hội bổ sung và phát triển hơn nữa.

Ông Trần Nguyên Năm Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)