"Sở Công Thương là đơn vị có trách nhiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm, cụ thể là từ quá trình sản xuất đến phân phối sản phẩm bánh Trung thu, theo đúng quy định của Bộ Công Thương. Việc kiểm tra không phải mục đích chỉ để xử lý vi phạm, mà qua đó tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở thực hiện các quy định đảm bảo ATTP. Chúng tôi cũng khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm nói chung, bánh Trung thu nói riêng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hãy nói không với bánh trôi nổi trên thị trường nhằm đảm bảo sức khỏe." - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng "UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 14, phân công, phân cấp quản lý về ATTP, từ TP đến tuyến quận huyện, xã, phường. Sự phân công quản lý rất rõ ràng. Về quản lý chất lượng sản phẩm bánh Trung thu, đây là nhóm bánh, các cơ sở sản xuất được quyền tự công bố sản phẩm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ hậu kiểm và xử lý vi phạm nếu cơ sở sai phạm." - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Trần Ngọc Tụ "Quảng cáo về bánh Trung thu handmade đều phải xin phép. Nhưng hiện nay có nhiều hình thức bán hàng đa kênh chưa quản lý được như trên mạng xã hội: Zalo, Facebook... Thời gian qua, Cục quản lý thị trường đã xử lý nhiều vụ việc tuyên truyền quảng bá chưa đúng như thực chất sản phẩm, được phản ánh qua ý kiến của người tiêu dùng và báo chí. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng cũng như người dân để kiểm soát tốt hơn sản phẩm thực phẩm bán qua kênh này." - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc |
Thị trường bánh Trung thu: Đến hẹn lại... lo
Kinhtedothi - Thời điểm này, thị trường bánh Trung thu đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết với đủ chủng loại, thương hiệu, mức giá khác nhau được tung ra thị trường.
Một trong những băn khoăn lớn nhất hiện nay đối với người tiêu dùng đó là an toàn thực phẩm (ATTP).
Phối hợp chặt trong quản lý
Thời gian qua, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Công Thương Hà Nội đã tập trung các nguồn lực, triển khai nhiều biện pháp giải quyết các vấn đề ATTP. Nhờ đó, công tác đảm bảo ATTP nói chung, ATTP bánh Trung thu nói riêng đã có những chuyển biến tích cực.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến về “Đảm bảo ATTP trong sản xuất và tiêu dùng bánh Trung thu” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội tổ chức sáng 21/8, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, Hà Nội đã có sự phân công rõ ràng từ xã, phường, quận, huyện đến cấp TP trong quản lý ATTP. So với trước đây, vấn đề quản lý đã tránh được sự chồng chéo "một chiếc bánh 3 ngành cùng quản". Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cả công tác quản lý.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Hoàng Minh Thu bày tỏ, ngành y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Công Thương và NN&PTNT nhằm quản lý tốt hơn lĩnh vực ATTP vốn rất nóng trên địa bàn. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo ATTP nói chung, ATTP bánh Trung thu nói riêng cho người tiêu dùng và DN có cơ hội phát triển lành mạnh, bền vững.
Thừa nhận điều này, ông Vương Trọng Tuấn - đại diện Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội khẳng định, DN của ông luôn tuân thủ các quy định ATTP. Bên cạnh đó, định kỳ mỗi mùa vụ, đều có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, nhưng không có sự chồng chéo. Theo ông Tuấn, trong quá trình trình sản xuất, có nhiều DN không nắm được hoặc sao nhãng các quy định của Nhà nước nên việc các cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở DN là cần thiết.
Trước băn khoăn liệu việc kiểm tra được báo trước cho DN thì có đảm bảo tính khách quan, ông Tuấn cho rằng, việc báo trước để DN chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ pháp lý cần có. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nên tăng cường việc kiểm tra đột xuất để chấn chỉnh kịp thời những vi phạm của DN, cơ sở sản xuất.
Vẫn còn những mối lo
Liên quan đến những vi phạm ATTP hay gặp qua các đợt thanh, kiểm tra bánh Trung thu từ đầu mùa đến nay, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc cho biết, năm nay trên thị trường xuất hiện sản phẩm bánh Trứng chảy (bánh Trung Quốc giá rẻ 2.000 đồng/chiếc) nhập về nhiều và giá thành thấp trên tờ khai hải quan. Nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ muốn kinh doanh sản phẩm này để thu lợi nhuận, tuy nhiên, nguồn gốc sản phẩm này chưa rõ ràng.
Mới đây, cơ quan quản lý quận Hoàng Mai đã thu giữ gần 4.500 chiếc bánh Trứng chảy, nếu số bánh này được đưa ra thị trường sẽ ảnh hưởng đến thị phần bánh Trung thu và các DN làm ăn chân chính. Qua đó, Cục Quản lý thị trường mong muốn phối hợp với Chi cục ATVSTP xét nghiệm nhằm sớm công bố về chất lượng của loại bánh này.
Cũng theo ông Lộc, năm 2019, thời tiết không thuận lợi nên việc tập kết nguyên vật liệu với các đơn vị gia công chưa đảm bảo tốt, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Cục Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan liên quan phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm. Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, tiêu hủy theo quy định.
Là địa phương có làng nghề truyền thống sản xuất bánh mứt kẹo, quận Bắc Từ Liêm có 14 hộ sản xuất bánh Trung thu (phường Xuân Đỉnh và phường Xuân Tảo), trong đó, có 8 hộ sản xuất nhân bánh. Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm Phạm Thị Chinh cho biết, đây đều là những hộ sản xuất nhỏ lẻ, nên đa số thuê nhân công thời vụ.
Trước mùa Trung thu, quận đã tổ chức tập huấn cho các hộ sản xuất trực tiếp. Quận cũng phối hợp với TTYT khám sức khỏe cho nhân công tham gia sản xuất. Công tác kiểm tra được sát sao, đến nay đã có 4 hộ được thanh tra và lấy mẫu kiểm nghiệm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, quận cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu. Ngoài ra, một số hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất có giấy kiểm nghiệm nhưng không lưu giữ tại cơ sở.
"Quá trình thanh, kiểm tra cho thấy, nhiều cơ sở vẫn dùng tay không làm nhân bánh, gây mất vệ sinh ATTP. Trong thời gian tới, quận Bắc Từ Liêm sẽ tiếp tục tuyên truyền cũng như có biện pháp xử lý kịp thời vi phạm" - bà Chinh cho hay.
Tại huyện Hoài Đức, số cơ sở sản xuất bánh Trung thu truyền thống còn khoảng 11 cơ sở, chủ yếu tập trung ở xã La Phù. Là địa bàn khá nóng về ATTP làng nghề, ngay từ đầu năm, huyện đã ban hành kế hoạch kiểm tra của năm, và định kỳ hàng quý, hàng tháng, đặc biệt vào mùa cao điểm như dịp Tết Trung thu này.
Còn quận Tây Hồ có 14 hộ sản xuất và kinh doanh bánh Trung thu. Qua kiểm tra và tập huấn, 8 hộ ở đường Thụy Khuê đều tuân thủ các quy định về ATTP, đặc biệt, các cơ sở sản xuất đều đầu tư các dây chuyền để giảm chi phí về nhân công. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra cũng có một số cơ sở chưa chấp hành nghiêm các quy định về ATTP, đoàn kiểm tra cũng đã lập biên bản xử lý.
Về phía đơn vị sản xuất, đại diện Công ty Cổ phần Bánh kẹo liên doanh Maiays Việt Nam cho hay, do công ty quản lý được nguyên vật liệu để sản xuất nhân bánh nên chất lượng đầu ra luôn đảm bảo. Công ty đã chuẩn bị những nguồn nguyên liệu đầu vào có xuất xứ rõ ràng ở Việt Nam như hạt sen ở tỉnh Đồng Tháp, đậu xanh nhập tại thị trường Hà Nội, trứng vịt muối từ công ty trứng Ba Huân… Trong khi đó, khách sạn Marriot Hanoi luôn đảm bảo ATTP theo quy trình một chiều khi tất cả nguyên liệu đều nhập từ các công ty qua sự chứng thực của Sở Y tế Hà Nội. Thành phẩm sau khi làm ra cũng có phòng riêng để bảo quản theo đúng quy định.
Theo đánh giá của Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ, so với trước đây, nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng về ATTP đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng vi phạm ATTP, vì vậy từ nay đến hết Trung thu, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp kiểm tra công tác vệ sinh ATTP các cơ sở, DN sản xuất bánh phục vụ Tết Trung thu.