TTCK tiếp tục chịu những tác động bất lợi
Năm 2013, bên cạnh những khó khăn của nền kinh tế thế giới, thì Việt Nam đang phải đối diện với thách thức tái cơ cấu. Những chính sách sẽ thực thi sắp tới để giải quyết những khó khăn đối với nền kinh tế sẽ khiến thị trường chứng khoán (TTCK) gặp không ít trở ngại.
Lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng sinh lời trên vốn đầu tư của đa số doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn do giá trị tài sản suy giảm và thiếu kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi. Lạm phát nhiều khả năng vẫn ở mức cao, trong khi giá xăng dầu, chi phí vận tải, giá điện tiếp tục tăng khiến chi phí vận hành được đẩy lên cao... sẽ khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng. Nhiều chuyên gia thẳng thắn nhận định, số doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc phải tạm dừng hoạt động (có thể) sẽ tăng so với năm 2012.
Hoạt động tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.Ảnh: Thanh Giang
Ở một khía cạnh khác, mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố các biện pháp mạnh mẽ hỗ trợ thị trường bất động sản (BĐS), song nhiều nhà đầu tư đánh giá hiệu quả của các gói giải pháp này khá hạn chế khi đối tượng thụ hưởng là phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá rẻ (chiếm thị phần nhỏ trên thị trường). Thị trường BĐS có thể tiếp tục trầm lắng trong năm 2013 khi hoạt động cầm cố và thanh lý tài sản diễn ra trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp BĐS lớn có thể bị phá sản. Điều này sẽ ít nhiều tác động tiêu cực tới sự phục hồi của TTCK trong hai quý đầu năm 2013.
Tăng trưởng tín dụng thấp và mang tính phòng thủ cao cũng sẽ khiến TTCK không có những sự bùng nổ lớn như thời điểm năm 2009. Bên cạnh đó, TTCK sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi khối nhà đầu tư nước ngoài khi hoạt động tái cơ cấu danh mục (ETFs) diễn ra liên tục khi thanh khoản thị trường rơi về mức thấp.
Tín hiệu tích cực
Dù vẫn đứng trước khá nhiều thách thức, nhưng TTCK được nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư nhận định là sẽ sôi động trở lại nhờ những chuyển biến tích cực của nền kinh tế, cũng như niềm tin của nhà đầu tư đang dần được hồi phục.
Theo đánh giá mới đây của Tổ chức Nghiên cứu thị trường Thomson Reuters, chỉ số Niềm tin kinh doanh châu Á cuối năm 2012 đã lên tới 63 điểm (số điểm trên 50 cho thấy niềm tin kinh doanh đang ở mức tích cực).
Các nhà đầu tư tại sàn giao dịch chứng khoán ACB.Ảnh: Trần Việt
Các doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) cũng đang được hưởng lợi từ sự gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài và tiêu dùng nội địa. Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, chỉ tính riêng 3 tuần đầu năm 2013, TTCK Việt Nam đã đón nhận 76 triệu USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Xu hướng mua ròng tại các quỹ ETFs tăng mạnh.
Với tổng giá trị vốn hóa thị trường ước đạt 322,85 triệu USD, tăng 19% so với giữa năm 2012, TTCK Việt Nam được xem là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn dòng tiền đầu cơ từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Đây là những thông tin tích cực có tác động mạnh mẽ tới thanh khoản cũng như xu hướng của TTCK trong năm 2013.
Tổng Giám đốc Công ty CP chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) Trịnh Khắc Hậu dự báo, trong năm 2013, VN-Index sẽ cân bằng ở mức +13,37% (tương đương 531 điểm) và có thể đạt đỉnh điểm ở mức +39% (tương đương 649,9 điểm). Như vậy, nếu không có những thay đổi trọng yếu về các biến số vĩ mô của nền kinh tế…) khả năng VN-Index sẽ cân bằng ở mức 531 điểm và dao động trong khoảng từ 440 - 649,9 điểm.
Nhiều doanh nghiệp chứng khoán và nhà đầu tư kỳ vọng, trong năm 2013, các giải pháp, chính sách kinh tế vĩ mô được Chính phủ thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát, hạ lãi suất, giải quyết nợ xấu và vực dậy thị trường BĐS,… sẽ phát huy hiệu quả tích cực. Cùng với việc dòng vốn đầu tư có xu hướng tăng mạnh trở lại và thanh khoản được cải thiện sẽ giúp TTCK có những bước hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ hơn.