Vì vậy, phiên giao dịch việc làm đầu năm 2017 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức sáng 10/1 có rất nhiều "chỗ" dành cho đối tượng này làm thời vụ, bán thời gian.
Nhiều cơ hội
Phiên giao dịch việc làm đầu năm 2017 tổ chức khác với các phiên thường kỳ diễn ra vào thứ Ba và thứ Năm hàng tuần. Là bởi với khởi đầu của năm nay, Trung tâm phối hợp với các đơn vị đào tạo và DN ở Hà Nội khảo sát nhu cầu tuyển dụng và tuyển sinh để có thể đem lại nhiều cơ hội việc làm nhất cho người lao động (NLĐ). 49 DN và cơ sở đào tạo tham gia với hơn 2.000 chỉ tiêu tuyển dụng, trong đó, 1.174 vị trí việc làm dành cho lao động phổ thông, trung cấp (TC), công nhân kỹ thuật, cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) với mức thu nhập từ 5 - 15 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ nhiều nhất.
Tuy là phiên giao dịch đầu năm, song lại là những ngày áp Tết Nguyên đán, nên rất nhiều DN tuyển dụng lao động làm việc thời vụ, bán thời gian với những vị trí bán hàng Tết tại siêu thị, đi giao hàng, đóng gói hàng… Cũng vì thế, số lượng học sinh, sinh viên đến ứng tuyển rất đông. Vũ Quốc Huy – sinh viên năm cuối ngành Tài chính – Ngân hàng, ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp cho biết vừa phỏng vấn vào vị trí bán hàng của Hệ thống siêu thị Aeon Fivimart. "Trước em đã đi làm ở vài chỗ, nay muốn tiếp tục được trải nghiệm thực tế để trang bị kinh nghiệm, kỹ năng khi ra trường tìm kiếm công việc phù hợp với ngành đã học” - Huy chia sẻ.
Cũng phải ghi nhận, phiên giao dịch việc làm đầu năm 2017 thu hút được rất nhiều DN, nhãn hàng uy tín tham gia với chỉ tiêu tuyển dụng lao động dịp Tết và trong năm rất lớn. Bà Nguyễn Hoàng Hà - Trưởng phòng Tuyển dụng Công ty TNHH Phúc Hưng Thịnh (có thương hiệu Quán ăn ngon) cho biết: “Năm 2017 chúng tôi mở thêm 5 cơ sở mới, nên nhu cầu tuyển dụng rất nhiều ở những vị trí công việc khác nhau. Đợt Tết này chúng tôi cần thêm 250 nhân viên mới để bổ sung cho tất cả các chuỗi nhà hàng. Mức lương của sinh viên đi làm bán thời gian từ 4 – 6 triệu đồng/tháng, tăng hơn so với ngày bình thường, cộng thêm bữa ăn của nhà hàng”. Trong khi đó, Công ty CP Kỹ thuật Sigma tuyển dụng khoảng 50 chỉ tiêu cho vị trí liên quan đến cơ điện, tự động hóa với mức lương từ 5 triệu đồng/tháng trở lên cho sinh viên mới tốt nghiệp. Tất nhiên, sau đó mức thu nhập của NLĐ sẽ tăng phụ thuộc vào năng lực của từng người. “Năm 2017, công ty có kế hoạch sản xuất tăng 1,5 lần so với năm trước cho nên chúng tôi sẽ tuyển dụng thêm rất nhiều nhân lực mới” – ông Cao Trung Trực – Quản đốc công ty cho hay.
Khảo sát từ các DN cho thấy, năm 2017 khối ngành thương mại dịch vụ (bán hàng, marketing, phát triển thị trường) sẽ được tuyển dụng chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là các khối sản xuất về cơ khí, kỹ thuật điện, nhiệt lạnh...
Kết nối câu chuyện hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp
Câu chuyện hơn 200.000 cử nhân không tìm được việc làm luôn là dấu hỏi đối với các nhà quản lý lao động việc làm, các trường học, trung tâm dịch vụ việc làm… Vì thế với vai trò kết nối giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động, bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội không giấu mong muốn giúp NLĐ có việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này. Tuy nhiên, bà Liễu cho rằng: Các bạn trẻ thất nghiệp cố gắng trang bị cho mình chuyên môn phù hợp với năng lực và phải hết sức cố gắng trong công việc. Đối với những bạn muốn đi học nghề hay học ĐH, trước tiên hãy tham khảo nhu cầu xã hội. Bởi nếu học theo cảm tính, không nghiên cứu thị trường, ra trường rất khó tìm được việc làm. Theo kế hoạch, năm 2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục mở các phiên giao dịch chuyên đề thời vụ, bán thời gian để sinh viên có cơ hội trải nghiệm trước khi ra trường, thu thập kinh nghiệm cho việc làm sau tốt nghiệp.
Trong số hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp, có rất nhiều người ra trường mấy năm chưa tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Ở góc độ của người làm chuyên môn, bà Vũ Thị Thanh Liễu thừa nhận, các bạn trẻ không phải cứ ra trường là làm được việc ngay, đặc biệt là đúng ngành nghề. Vì thế, nên chấp nhận làm việc trái ngành để có kinh nghiệm, va chạm và cập nhật thêm kiến thức còn thiếu để tìm công việc phù hợp hơn. “Chúng tôi có lời khuyên các DN giảm bớt yêu cầu đối với NLĐ, nếu thấy không cần thiết. Vì hiện nay có nghịch lý DN không tuyển được lao động mà NLĐ thì lại không tìm được việc làm. Về phía NLĐ tiếp tục nâng cao trình độ và chấp nhận làm công việc có thu nhập thấp hơn mong muốn. Có như vậy cung và cầu mới gặp nhau, tỷ lệ kết nối cao và số người thất nghiệp sẽ giảm” – bà Liễu phân tích.
Gắn chặt dạy nghề với nhu cầu thị trường
Tại phiên giao dịch việc làm năm 2017, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, việc làm và thu nhập là nhu cầu rất chính đáng của thanh niên (TN) và sinh viên (SV). Vì thế, chăm lo, tạo việc làm và thu nhập cho TN, SV là trách nhiệm của chính quyền và mọi gia đình. Thời gian qua, ngành LĐTB&XH đã cố gắng đẩy mạnh lĩnh vực này. Tuy nhiên trên thực tế, TN thiếu việc làm còn rất cao. Hiện nay là hơn 200.000 người và tỷ lệ trên 7,3% số TN đang thất nghiệp, vì thế hưởng ứng chủ trương quốc gia khởi nghiệp, năm 2017, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với UBND các cấp coi đây là một khâu đột phá trong chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam, tập trung chủ yếu vào đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp. Thứ hai là xác định, đánh giá nhu cầu của thị trường lao động, từ đó định hướng cho TN, SV tiếp cận thị trường công nghệ mới và dịch vụ xã hội. Thứ ba là truyền tải đến xã hội và các bạn trẻ thông điệp “Khởi nghiệp việc làm là tiềm năng và động lực để phát triển kinh tế - xã hội”. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn từng SV , TN và mỗi gia đình sẽ chủ động tìm tạo việc làm thu nhập chính đáng. Các DN phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm, các trường nghề đẩy mạnh giới thiệu và tạo điều kiện cho TN tiếp cận những công nghệ và ngành nghề mới để giảm tải số người thất nghiệp.
Để hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm phát huy được vai trò, Bộ trưởng cho rằng phải có sự gắn kết chặt chẽ 3 vấn đề. Một là, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải bám vào nhu cầu của thị trường lao động để chúng ta hướng người học đi theo. Thứ hai, gắn chặt dạy nghề với nhu cầu của thị trường lao động, xác định từng ngành nghề, từng lĩnh vực trong thời gian ngắn và dài hạn để hướng cho TN, SV đi vào lĩnh vực đó. Thậm chí thực hiện phân luồng sớm hơn từ bậc THCS. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề. Việc dạy nghề phải trên cơ sở đánh giá nhu cầu và dự báo được thị trường ngắn hạn, dài hạn. Thứ ba, toàn bộ hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm sẽ được cải tổ trở lại, gắn với lao động xuất khẩu, DN. DN đặt hàng nhà trường, các trung tâm dịch vụ để lựa chọn nhân lực ngay từ đầu và trong quá trình đào tạo bồi dưỡng và sử dụng.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục tổ chức những phiên giao dịch việc làm định kỳ, chuyên đề, lưu động tại các quận, huyện, thị xã kết nối với 5 điểm giao dịch việc làm vệ tinh đã khai trương năm ngoái. Ngoài ra, sẽ tiếp tục khai trương 2 điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại huyện Đông Anh và Ba Vì, để sự kết nối lao động được rộng mở hơn. Liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động trong năm 2017, ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, nguồn lao động chất lượng cao có rất nhiều cơ hội. Bởi đây không chỉ là dự báo, mà thực tế, từ cuối năm 2016, Nhật Bản đã thông qua luật mới cho phép kéo dài thời hạn lưu trú cho các thực tập sinh đến 5 năm và mở rộng tiếp nhận nghề hộ lý điều dưỡng. Với lợi thế được đánh giá cao ở Nhật Bản, lao động Việt |