Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường ngày áp Tết: Sức mua tăng, giá tăng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần Tết Giáp Ngọ, không khí mua sắm đã bắt đầu rộn ràng khắp các điểm bán lẻ. Trên địa bàn TP Hà Nội, thị trường Tết cũng đã xuất hiện đầy đủ đặc sản của khắp các vùng miền trong cả nước, nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết khá dồi dào, giá cả có dấu hiệu bắt đầu tăng.

Hàng Tết vào mùa, sức mua tăng dần

Tại chợ đầu mối Đồng Xuân bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp, các mặt hàng đồ khô, măng, miến, bánh, mứt kẹo, hạt dưa, hạt bí… đã bước vào đợt cao điểm với lượng hàng về nhiều hơn 2 tuần trước từ 20 - 30%. Theo các tiểu thương, tuần cuối năm là cao điểm mua sắm Tết nên các đại lý, cửa hàng tạp hóa "đánh về" lượng hàng lớn từ các tỉnh và các chợ đầu mối.

Các chợ đầu mối rau quả cũng bắt đầu vào cao điểm. Chợ đầu mối Long Biên mỗi ngày có khoảng 300 - 400 tấn hàng hóa lưu thông. Thời điểm hiện tại, lượng hàng đã tăng lên  gấp 1,5 lần, đạt trên 500 tấn/ngày.

Chợ Mai Động, Láng, Kim Ngưu... cũng tiếp nhận nguồn rau củ lớn từ khu vực ngoại thành Hà Nội. Chị Thu Trang, tiểu thương chợ Mai Động, cho biết: "Đặc thù hàng rau củ tươi thường ít được mua sớm nên sức mua vẫn thấp, tuy nhiên khoảng 4 - 5 ngày sát Tết, sức mua bắt đầu tăng mạnh, khoảng 40% - 60%”.
Người dân lựa chọn đào cành trên phố Hàng Lược.      Ảnh: Đức Giang
Người dân lựa chọn đào cành trên phố Hàng Lược. Ảnh: Đức Giang
Trong khi đó tại các hệ thống siêu thị, tình hình mua sắm cũng nhộn nhịp hơn. Nhân viên Siêu thị Citimart cho biết so với tuần trước, tuần này người dân đến chợ mua sắm đông gần gấp đôi. "Bán được nhất vẫn là bột ngọt, dầu ăn, đường và các loại thực phẩm khô như nấm, đậu xanh, gạo nếp". Ghi nhận cho thấy người dân bắt đầu tích trữ để sử dụng khi Tết đã cận kề.

Thời điểm này, bánh kẹo là mặt hàng ổn định, và ít chịu biến động nhất của thị trường, đặc biệt là bánh kẹo nội. Theo nhận xét của người tiêu dùng thì bánh kẹo nội có giá cả chấp nhận được, mẫu mã phong phú. Chính vì thế, mặt hàng này đang tỏ ra có ưu thế so với hàng ngoại. Trong khi đó, các loại thực phẩm phục vụ cho nhu cầu Tết như hoa quả, đồ khô, thủy sản khô, thịt gia súc, gia cầm, gạo đã tăng giá. Tại các đại lý bia, giá tăng 5 - 10% so với tháng trước. Hiện bia Heineken có giá 390.000 đồng/thùng, đắt thêm 15.000 đồng so với nửa tháng trước. Bia 333 nhích 10.000 đồng, lên 210.000 đồng/thùng 24 lon. Tiger tăng từ 280.000 lên 300.000 đồng, Carlsberg 375.000 - 380.000 đồng/thùng...

Hoa, cây cảnh“hét” giá gấp đôi

Cùng với hàng hóa thiết yếu Tết, các loại hoa Tết năm nay cũng đã "hét" giá khá mạnh. Thời tiết Tết năm nay rét nên người bán đào, quất "vỉa hè, góc chợ" tỏ ra lạc quan về giá. Đến thời điểm này, thị trường hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu trang trí Tết đã khá dồi dào.

Anh Phạm Văn Dũng - chủ vườn đào Dũng Nga ở Nhật Tân chia sẻ: Năm nay đào cho hoa đẹp nên giá có thể tăng từ 5 - 10% so với năm ngoái. Vườn đào đã có khoảng 90% gốc đào khách đã đặt. "Nhiều chủ vườn đào đã bán đào sớm cho người bán dạo, giá phụ thuộc vào việc bán - mua, nhưng đa số người bán đào dạo mua đào không quá đắt, có cành chỉ vài chục ngàn đồng, nếu khéo bán thì họ có thể bán vài trăm ngàn đồng" - anh Dũng nói.

Khác với đào, quất năm nay có vẻ kém hơn, quả nhỏ và không đều như mọi năm, nhưng giá thời điểm này cũng không rẻ. Quất phố sẽ đông từ ngày 20 tháng Chạp. Sớm thì người bán thách giá vài trăm một cây, cũng có cây quất phố cả triệu.

Đi dọc các phố như Lạc Long Quân, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hoa Thám, Kim Ngưu… thời điểm này, nhiều loại cây cảnh, hoa Tết đã được các chủ quầy hàng trưng ra vỉa hè để khách tha hồ lựa chọn. Mỗi cửa hàng có đến vài chục loại cây, màu sắc bắt mắt. Những loại hoa được các cửa hàng kinh doanh nhập nhiều nhất vẫn là hoa địa lan, lan hồ điệp, lan đuốc, mai đỏ, ngân lượng… đều được nhập từ Trung Quốc. Các loại cây cảnh như cam canh, bưởi diễn, tùng la hán, thiết mộc lan… cũng được bày bán…

Cùng với các loại hoa ngoại nhập, tại Hà Nội, năm nay nhiều người dân lại tìm đến với thú chơi đào rừng, lan rừng mặc dù giá được "hét" lên con số tiền chục triệu đồng.