Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Thị trường sữa: Giá cả và chất lượng"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Bản chất sữa bột trẻ em là công thức dinh dưỡng bổ sung dành cho trẻ em và chúng ta chỉ thay đổi cho đúng tên gọi, đúng với thông lệ quốc tế."

Vào 9h30 sáng nay, 26/4, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức toạ đàm trực tuyến "Thị trường sữa: Giá cả và chất lượng", trao đổi về những vấn đề liên quan đến quản lý giá, chất lượng các mặt hàng sữa trên thị trường, đặc biệt là sữa bột trẻ em.
 
Để có cái nhìn toàn diện về giá cả và chất lượng của thị trường sữa Việt Nam, buổi toạ đàm trực tuyến có sự tham dự của đại diện Cục quản lí giá (Bộ Tài chính); Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); Cục quản lí thị trường (Bộ Công Thương); Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk).

 
"Thị trường sữa: Giá cả và chất lượng" - Ảnh 1

BTV: Có chuyên gia đã nhận định: quy định chỉ có sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi khi bán mới phải kê khai đăng ký giá, chịu sự quản lý của Nhà nước là một kẽ hở để những nhà sản xuất và phân phối sữa lách luật. Vì trên thực tế những loại sữa khác không phải kê khai đăng ký giá. Xin các vị khách mời cho biết ý kiến về nhận định này?

Ông Phạm Vũ Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lí giá, Bộ Tài chính: Trước ngày 1/1/2013, thời điểm Luật Giá có hiệu lực, chúng ta có Pháp lệnh Giá, Nghị định của Chính phủ về quản lý giá, theo đó, giá sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi là mặt hàng bình ổn giá, khi nhà sản xuất, phân phối điều chỉnh giá bán thì phải đăng ký với cơ quan quản lý. Trên cơ sở đó cơ quan quản lý rà soát các yếu tố để xem đăng ký giá có hợp lý không, chứ nhà nước không quản lý giá bán mặt hàng này.

Từ 1/1/2013, khi Luật Giá có hiệu lực, mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi cũng là mặt hàng bình ổn giá, nhưng bản chất có khác là việc đăng ký giá của doanh nghiệp chỉ là một trong nhiều biện pháp để bình ổn giá khi giá sữa tăng cao bất hợp lý, khi cần thiết thì mới làm. Tức là có sự khác nhau giữa đăng ký giá thời điểm trước và sau khi có Luật Giá.

Ông Lê Hoàng, Phó Phòng quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế: Về mặt khoa học sữa bột là nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm dành cho những đối tượng khác nhau như sữa cho trẻ em, người già, bà mẹ mang thai… Trước đây sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ nhỏ được gọi là sữa bột, tuy nhiên, nó chỉ chứa 15-40% sữa bột tùy theo giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ, ngoài ra còn có chứa vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng khác… các thành phần này được phối trộn với nhau theo công thức nhất định vì vậy người sản xuất đặt tên dinh dưỡng công thức dành cho trẻ. Bộ Y tế cũng đã xây dựng quy chuẩn các công thức sữa dinh dưỡng dành cho trẻ, trong đó phân biệt rõ sữa bột chỉ là sữa nguyên liệu, còn tên gọi sữa bột cho trẻ em trước đây thì cần phải thay đổi cho đúng là sữa công thức dinh dưỡng hoặc thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em.

BTV: Thưa ông Hà Quang Tuấn, ông có ý kiến gì về vấn đề nêu trên?

Ông Hà Quang Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nội: Chủ đề giá và chất lượng sữa là vấn đề đáng quan tâm của xã hội, trách nhiệm của xã hội và của các doanh nghiệp kinh doanh sữa, ảnh hưởng đến rất nhiều người dân, đặc biệt là các cháu nhỏ, nói rộng là ảnh hưởng đến tương lai nòi giống Việt.

Đối với sản phẩm sữa, giá và chất lượng phải luôn song hành, không nên chỉ đề cập một yếu tố. Như đã nêu trên phương tiện truyền thông, giá sữa tăng 30 lần trong 6 năm qua nhưng không phải sản phẩm sữa nào cũng vậy. Chủ yếu là sữa bột. Sữa nước chỉ tăng 185% trong cùng thời gian.

Như vậy điều chúng ta đáng quan tâm là sản phẩm sữa bột, để cơ quan báo chí và quản lý nhà nước tập trung vào để giải quyết. Vừa qua, báo chí có nêu, một số doanh nghiệp lợi dụng việc đăng ký thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng. Tăng cường chỉ là thêm vào và được Luật Thực phẩm ghi rõ thế nào là thực phẩm tăng cường dinh dưỡng. Đây chỉ là cách chia nhóm để quản lý, chứ bản chất là sữa. Theo tôi không có kẽ hở trong quy định pháp luật, có chăng chỉ là trong thi hành của người quản lý hoặc doanh nghiệp.

BTV: Mới đây, một lãnh đạo của Cục quản lí giá có nói “Do sản phẩm dinh dưỡng không nằm trong danh mục được bình ổn giá nên không bắt buộc đăng ký khi tăng giá”. Vậy phải chờ động thái từ phía Bộ Y tế thì một số sản phẩm sữa đội lốt sản phẩm dinh dưỡng sẽ không được tự ý tăng giá, nhưng trong thời gian chờ đợi thì phía Cục quản lý giá có biện pháp nào chấn chỉnh lại việc tăng giá sữa ào ạt như thế này không?

Ông Phạm Vũ Anh: Như chúng ta vừa trao đổi, cũng như ông Lê Hoàng vừa nói, tôi cho rằng trên thị trường không phải tất cả doanh nghiệp đều xấu cả, nhưng trên thị trường có thể có trường hợp lợi dụng nọ kia.

Tôi cho rằng, trong chuỗi quản lý sản phẩm chúng ta phải làm tốt các khâu. Ví dụ, 1 sản phẩm nhập khẩu, khi nhập vào, nó là cái gì, nhập vào theo phân loại hàng hóa nào… Khi sản phẩm này đến doanh nghiệp thì doanh nghiệp nào cố tình thay tên đổi nhãn thì cơ quan quản lý thị trường sẽ xử lý. Vấn đề là quản lý tốt từng khâu, giá cũng là một khâu để quản lý.

Để quản lý giá, ngay từ đầu năm, khi Luật có hiệu lực, chúng tôi đã có công văn gửi các Sở Tài chính hướng dẫn lại về quản lý giá như thế nào, đăng ký giá ra làm sao. Tính đến thời điểm hiện nay trong 63 tỉnh thì gần 30 Sở Tài chính có báo cáo về, các Sở phối hợp với Sở Công Thương, các cơ quan thuế đi kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về giá đối với mặt hàng sữa và những sản phẩm dinh dưỡng.

BTV: Một số chuyên gia đã yêu cầu “Ngay cả sản phẩm nào có đủ điều kiện là sữa cũng phải công bố để người dân được biết và nhanh chóng bổ sung quy định mặt hàng không phải sữa cũng phải kê khai” có như vậy thì giá sữa mới hết tình trạng đến hẹn lại lên. Vấn đề này sắp tới Bộ Y tế có ý định triển khai hay không?

Ông Lê Hoàng: Các sản phẩm được cấp đều được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục tại địa chỉ vfa.gov.vn và người dân có thể truy cập và nắm thêm thông tin. Hiện tại Luật Giá đã quy định những hàng hóa thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá, Bộ Tài chính đã trình dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giá, trong đó quy định Bộ Y tế sẽ thực hiện quy định cụ thể danh mục hàng hóa bình ổn giá thuộc lĩnh vực Bộ quản lý, do vậy, khi Nghị định ban hành thì Bộ Y tế sẽ quy định danh mục cụ thể.

Tôi muốn nhấn mạnh là bản chất sữa bột trẻ em là công thức dinh dưỡng bổ sung dành cho trẻ em và chúng ta chỉ thay đổi cho đúng tên gọi, đúng với thông lệ quốc tế.

BTV: Thưa đại diện cục quản lý thị trường, gần đây có nhiều vụ việc liên quan tới sữa, điển hình như xuất xứ, nguồn gốc, nhãn mác không rõ ràng nhưng vụ việc phát hiện không nhiều. Có phải lực lượng dành cho việc này quá mỏng và không đồng đều không, thưa ông?

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục quản lí thị trường Bộ Công Thương: Mỗi năm lực lượng Quản lý thị trường xử lý khoảng 90.000 vụ vi phạm, xử phạt 400 tỷ đồng, trong đó số lượng lớn là bia, rượu, thuốc lá, quần áo… Mặc dù vậy, so với kỳ vọng của người dân còn chưa cao. Có nhiều nguyên nhân như thiếu nhân lực, trang thiết bị, ngoài ra, trong quá trình sản xuất kinh doanh, có những doanh nghiệp không từ phương thức, thủ đoạn nào để thu lợi bất chính; chính sách quản lý còn những bất cập. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị và hợp tác tích cực với nhiều cơ quan chức năng, báo chí, người dân để xử lý các vi phạm trong đó có liên quan đến mặt hàng sữa, như trong vụ sữa dê Danlait vừa qua.

BTV: Quy định các doanh nghiệp phải kê khai giá, chi phí đầu vào hợp lý liệu có thực hiện được không vì thị trường rất lớn, có nhiều doanh nghiệp cung cấp và cần bộ máy quản lý lớn, thưa ông Phạm Vũ Anh?

Ông Phạm Vũ Anh:
Tôi xin nhắc lại là không phải tất cả các loại sữa phải kê khai giá. Luật đã quy định sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Qua đợt kiểm tra vừa rồi, các địa phương kiến nghị phân loại sữa, tập trung vào các loại chủ yếu để quản lý, người tiêu dùng nhiều, có tác động lớn. Luật không thể quy định cụ thể loại sữa, vì tên sản phẩm luôn thay đổi theo sự phát triển của ngành sữa.

Với Cục Quản lý Giá và các Sở Tài chính, quản lý giá là nhiệm vụ thường xuyên chứ không phải tạo ra bộ máy cồng kềnh, hay gây ra sự phiền hà nào.

BTV: Nhiều người cho rằng quản lí thị trường sữa rất phức tạp vì đây là thị trường tiêu dùng rộng lớn, cần thiết hàng ngày cho người dân. Hiện tại trên các diễn đàn hoặc các sạp tạp hóa đang bán rất nhiều các loại sữa xách tay, sữa bột, sữa bán theo kg với số lượng lớn. Những nhãn sữa xách tay này đương nhiên không qua kiểm soát của phía Việt Nam, tại sao tình hình này vẫn tiếp diễn và ngày càng gia tăng?

Ông Đỗ Thanh Lam: Như các bạn biết, Luật An toàn thực phẩm đã quy định. Trước đó chúng ta đã có quy định tất cả các loại sữa khi đi vào thị trường Việt Nam phải có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Các nhà phân phối phải có đầy đủ hồ sơ theo quy định của luật pháp mới được thông qua.

Ở biên giới theo quy định hiện hành của Chính phủ, có  các lực lượng kiểm soát soát như hải quan, biên phòng, cảnh sát biển. Còn ở trong nội địa có lực lượng như công an, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành. Chúng ta có lực lượng như vậy nhưng hiện nay trên thị trường vẫn còn những loại sữa như chị đã nói. Đương nhiên những loại sữa này không theo quy trình thủ tục như vậy nên không được các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam kiểm tra về chất lượng.

Và không loại trừ trong đó có số lượng sữa nhập lậu, các loại sữa này rất nguy hiểm, vì có thể là sữa kém chất lượng, hai là sữa quá hạn sử dụng, người ta tẩy xóa lại để bán ra thị trường để kiếm lời.

Sở dĩ các mặt hàng này tồn tại trên thị trường là do mấy nguyên nhân. Thứ nhất, bản thân những người làm ăn phi pháp tìm mọi cách để kinh doanh buôn bán kiếm lời những mặt hàng như thế này. Vấn đề thứ hai là tâm lý sính ngoại. Và có một thực tế, các nước chúng ta nhập sữa về đa phần là các nước phát triển, họ có tiêu chuẩn, công nghệ và cách quản lý sữa nên chất lượng sữa của họ tốt, chúng ta phải thừa nhận.

Nhưng có một vấn đề rất đáng nói hàng hóa của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là chất lượng sản phẩm sữa đã được nâng lên rất nhiều, giá cả chấp nhận được.

Nhưng việc thông tin cho người dân để tiêu thụ hàng trong nước thì tôi cho là còn hạn chế. Hạn chế từ người sản xuất đến cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì vấn đề này được đặt ra mạnh mẽ hơn. Nếu được đặt ra đúng lúc cộng với việc chúng ta vừa khánh thành một nhà máy sữa rất là lớn thì tôi cho rằng vấn đề sữa lậu, sữa không được kiểm soát sẽ được hạn chế.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình, khi mua sản phẩm phải tìm hiểu rõ, lấy hóa đơn để khi có tranh chấp thì các cơ quan có cơ sở để xử lý.

Thứ hai, bản thân các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam kể cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải định hướng cho người tiêu dùng. Tôi nghĩ nếu làm được như vậy thì sữa lậu, sữa kém chất lượng sẽ giảm. Đương nhiên các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng luật pháp. Có như vậy chúng ta mới bảo vệ được người tiêu dùng và làm cho thị trường sữa lành mạnh hơn.

BTV: Cảm ơn ông, nhưng những điều ông nói thì tôi nghĩ rằng là điều hướng tới trong tương lai, còn hiện tại chúng ta đang nói là có hiện tượng sữa xách tay, sữa vác vai đang được bán tràn lan và công khai. Về phía cơ quan quản lý thị trường ông có nghĩ là một phần lỗi của cơ quan ông?

Ông Đỗ Thanh Lam:
Có một ý mà tôi chưa nói rõ là phương thức thủ đoạn rất tinh vi của người bán, người ta không bày bán công khai mà khi đến mua mới đưa ra. Thứ hai hóa đơn chứng từ được họ hợp thức hóa bằng những chứng từ khác nên khó kiểm tra.

Do vậy, có mặt làm được, có mặt chưa làm được, nên các lực lượng chức năng phải có phương pháp hữu hiệu, cần tiếp tục để làm tốt vấn đề này cả trước mắt và lâu dài.

BTV: Nếu như tôi không nhầm thì theo Luật Quảng cáo, từ 1/1/2013, các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi sẽ bị cấm quảng cáo. Chúng ta đã làm triệt để vấn đề chưa? Vì nếu làm tốt thì đương nhiên phần chi phí quảng cáo của doanh nghiệp hạ xuống, giá thành sữa sẽ giảm?

Ông Lê Hoàng: Bộ Y tế đang phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Quảng cáo để  đưa ra những hướng dẫn, quy định cụ thể, hợp lý liên quan đến quảng cáo sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi và dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Mặt khác, việc cấm quảng cáo các mặt hàng sữa sẽ giúp giảm tác động tiêu cực khi nhiều bà mẹ giảm nuôi con bằng sữa mẹ. Nhưng việc hạn chế quảng cáo có giảm giá sữa hay không thì chúng tôi cũng chưa chắc chắn.

BTV: Chi phí cho hội thảo, bán hàng chiết khấu quá lớn, tiếp thị và quảng cáo quá nhiều đã đang là nguyên nhân chính đẩy giá thành sữa tăng cao. Thưa Tổng Giám đốc Hanoimilk, ông có đồng tình với nhận định này không?

Ông Hà Văn Tuấn:
Giá sữa bao gồm trong đó chi phí sản xuất, bán hàng, tiếp thị và quảng cáo, nên giảm chi phí quảng cáo có thể giảm một phần chi phí giá sữa. Số tiền chi phí quảng cáo của các hãng sữa lớn mỗi năm có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng, tuy nhiên, việc có những chính sách cấm quảng cáo sữa cũng cần xem xét, vì một trong các quyền của người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, nếu cấm thì sẽ hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người tiêu dùng, vì vậy việc dùng biện pháp hành chính để cấm, hạn chế quảng cáo thì cần phải xem xét.

Chúng ta có thể xem xét những giải pháp khác như xem xét, đánh giá, thăm dò bình chọn những nhãn hiệu sữa đủ tiêu chuẩn thì cũng sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp mà đem lại lợi ích chung cho người tiêu dùng. Và chi phí dành cho quảng cáo thì doanh nghiệp có thể dành vào nghiên cứu ra các sản phẩm mới, phù hợp hơn với người Việt Nam.

BTV: Nhân đây tôi xin hỏi là việc nhà nước khống chế doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước chỉ được chi 10% trên tổng chi phí hợp lệ cho quảng cáo, nhưng lại không khống chế đối với doanh nghiệp nước ngoài thì liệu đây có phải là sự không công bằng không?

Ông Hà Văn Tuấn:
Theo tôi tất cả biện pháp hành chính đều là biện pháp tạm thời và chúng ta cần phải có những biện pháp quản lý quảng cáo dài hạn, bền vững hơn.

BTV: Thưa ông, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa chuyển hồ sơ vụ sữa dê Mỹ GMB sản xuất tại TP.HCM nhưng lại thông tin xuất xứ Hà Lan, Mỹ... sang cơ quan công an để điều tra về hành vi giả xuất xứ hàng hóa.  Ngoài Hà Nội thì vừa rồi trên báo chí nổi cộm lên việc sữa dê Danlait của Công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu từ Pháp, tôi không cần nói rõ nội dung vì ở đây chúng ta đều đã biết rõ. Xin hỏi hướng xử lý của Cục quản lí thị trường?

Ông Đỗ Danh Lam: Những vụ việc này báo chí đã nói nhiều và cơ quan quản lý nhà nước đã biết. Hướng của Cục Quản lý thị trường là xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm.

Trong quá trình xử lý vi phạm để xác định hành vi là một vấn đề và có nhiều phát sinh, Cục Quản lý trường sẽ cùng với Chi cục Quản lý thị trường xử lý các khó khăn, vướng mắc. Trong thẩm quyền thì Cục xử lý, ngoài thẩm quyền thì báo cáo Bộ Công Thương. Chúng tôi đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan để để xử lý vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

BTV:  Tôi xin gửi tới ông Lê Hoàng một câu hỏi vừa nhận được của bạn đọc vừa nhận được ở địa chỉ email: Namthitruongbtm@gmail.com Trong vấn đề về sữa Danlait thì Cục An toàn thực phẩm nhận định sai ở khâu nào và trách nhiệm riêng của Cục ra sao về vấn đề đó.

Trong lúc tiến hành thanh tra, kiểm tra Công ty Mạnh Cầm, thì đã có rất nhiều chứng nhận sản phẩm lúc thì bảo đúng, lúc thì bảo sai.

Bản thân người sử dụng sữa đem sản phẩm đến Viện Paster để kiểm tra định lượng, Viện đã công bố kết quả, sau đó lại có công văn nói rằng những số liệu bị nhầm, xin ông giải thích rõ hơn về vấn đề này?

Ông Lê Hoàng: Vấn đề sữa Danlait trong thời gian qua báo chí và truyền hình đã đề cập nhiều, bạn đọc cũng đã rõ. Tiện đây cũng xin khẳng định lại vì mọi thông tin đã công bố trên trang thông tin điện tử của Cục.

Một lần nữa tôi xin khẳng định thực phẩm bổ sung sữa dê Danlait do công ty Mạnh Cầm nhập khẩu đã được công bố ở Cục VSATTP, từng lô hàng về đều được cơ quan kiểm tra nhà nước về ATTP kiểm tra cấp giấy chứng nhận về VSATTP, và các cơ quan thú y kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đảm bảo yêu cầu về mặt thú y và đã được thông quan. Về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng đã được xác nhận rõ ràng của Bộ Nông nghiệp Pháp, thông qua Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Gần đây một số tờ báo thông tin về một số người tiêu dùng đưa sản phẩm đến kiểm nghiệm tại Viện Paster. Thông tin này thực ra đã được đăng trên trang thông tin điện tử của Cục.

Theo đó, Viện Paster có sự nhầm lẫn trong việc kiểm nghiệm mẫu. Thông tin nói rõ, trước hết nhầm lẫn về phương pháp. Phương pháp đúng phải là phương pháp dùng để kiểm nghiệm sữa, nhưng Viện đã nhầm lẫn sang phương pháp kiểm nghiệm protein trong thủy sản. Các quy đổi đơn vị cũng nhầm lẫn, phòng kiểm nghiệm của Viện cũng đã có giải trình. Những thông tin này đã được công bố trên trang thông tin điện tử của Cục và các báo đã đăng tải lại.

BTV: Khi nhập khẩu qua hải quan, các doanh nghiệp kê khai là sữa (thuế suất 10%), khi kiểm nghiệm, đăng ký trong nước thì lại là thực phẩm bổ sung (với mức thuế suất 15%) qua đó hưởng chênh lệch thuế suất?

Ông Đỗ Thanh Lam: Lực lượng quản lý thị trường chỉ căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật để xử lý, trong vụ Danlait chúng tôi có suy nghĩ cá nhân là nếu các bà mẹ đang nuôi con nhỏ thì nếu gọi đây là sản phẩm sữa sẽ họ mua nhưng nếu gọi đây là thực phẩm bổ sung thì chưa chắc họ đã mua. Vì vậy, tôi cho rằng cần có tên gọi thống nhất trong các sản phẩm sữa, thực phẩm bổ sung để người dân dễ hiểu, mua đúng sản phẩm mà mình mong muốn.

Ông Phạm Vũ Anh: Cần phải tăng cường quản lý ở từng khâu. Cục Quản lý giá và Cục Quản lý thị trường đã có quy chế phối hợp chặt chẽ. Ngoài ra các cơ quan quản lý cấp bộ, ngành cũng có những chỉ đạo, phối hợp rất sát sao, quyết liệt để tăng cường công tác quản lý.

Đối với những trường hợp như chị nêu thì để khắc phục, tên gọi sản phẩm phải chuẩn, thống nhất và theo tôi cũng có những khâu quản lý thực hiện chưa tốt.

Ông Lê Hoàng: Trong vụ việc cụ thể này, chúng ta thực hiện theo quy trình logic, chặt chẽ. Cụ thể, trước khi hàng về thì nhà nhập khẩu đã phải công bố các tiêu chuẩn, chất lượng, tên gốc của sản phẩm nhập khẩu; khi sản phẩm về đến Việt Nam thì doanh nghiệp phải thực hiện kiểm tra tại cơ quan quản lý nhà nước. Khi cơ quan hải quan thông quan thì phải dựa trên giấy xác nhận của các cơ quan quản lý khác và quan trọng nữa là áp mã thuế nhập khẩu thì căn cứ bản chất hàng hóa và cấu tạo sản phẩm chứ không chỉ căn cứ vào tên sản phẩm.

BTV: Nhưng đã có trường hợp tên trên tờ khai hải quan và tên trên tờ khai đăng ký sản phẩm tại Cục ATTP là khác nhau?

Ông Lê Hoàng: Luật ATTP có quy định về nhóm sản phẩm thực phẩm bổ sung các chất dinh dưỡng khác và chúng ta phải tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về bản chất sản phẩm và tên gọi sản phẩm.

Ông Hà Quang Tuấn:
Sữa nguyên gốc là thực phẩm, nếu sữa đó đem bổ sung thành phần dinh dưỡng thì được xếp vào thực phẩm bổ sung dinh dưỡng và tên gọi là sữa. Ví dụ chúng tôi đăng ký sản phẩm sữa Izzi là nhóm thực phẩm bổ sung còn tên gọi của nó là sữa Izzi.

BTV: Hiện thị trường Việt Nam có đủ nguồn cung sữa tươi không, thưa ông Tuấn?

Ông Hà Quang Tuấn: Có những tài liệu cho rằng nguồn cung sữa tươi chỉ đáp ứng 27% nhu cầu sữa tươi trong nước, chưa kể các loại sữa khác (sữa bột, sữa tiệt trùng, sữa hoàn nguyên… điều đó cho thấy nguồn sữa tươi rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Và 70% sữa còn lại là sử dụng sữa hoàn nguyên để sản xuất, điều này cũng giống với nhiều thị trường khác, ngay cả các nước phát triển thì họ cũng sử dụng rất nhiều sữa hoàn nguyên để sản xuất sữa tiệt trùng.

Hiện nay, giá thu mua một lít sữa tươi hiện là 14.000 đồng/kg, chiếm 74% giá thành sản xuất nếu cộng thêm chi phí quảng cáo, bán hàng, quản lý thì tôi cam đoan nếu sản xuất sữa tươi tiệt trùng từ 100% sữa tươi thì doanh nghiệp chỉ hòa hoặc lỗ. Đối với Hanoimilk, do sản lượng thu gom sữa tươi không nhiều, không đủ khối lượng nên chúng tôi chỉ tập trung sữa tươi để bổ sung vào sản phẩm sữa hộp, sữa chua chứ không sản xuất sữa tươi tiệt trùng.

BTV:  Xin hỏi Cục An toàn thực phẩm, đã có phản ánh là nhiều bác sĩ đã bắt tay quảng cáo với các công ty sữa hoặc thực phẩm chức năng, dinh dưỡng bằng cách viết bài cũng như dự hội thảo. Đến mức có nhiều bác sĩ quá quen mặt với người tiêu dùng không phải vì chuyên môn mà do xuất hiện tại các sự kiện và đưa ra lời khuyên dùng sữa này, sữa kia. Vấn đề này có biện pháp nào ngăn chặn được không?

Ông Lê Hoàng: Đúng là có hiện tượng bác sĩ tham gia quảng cáo sữa và thực phẩm chức năng. Bản thân tôi chưa bao giờ tham dự những buổi như vậy, nên chưa rõ nội dung là như thế nào.

Còn về phía Bộ Y tế, Bộ đã ban hành Thông tư 08/2013 hướng dẫn quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, có hiệu lực từ 26/4/2013.

Trong Thông tư 08 đã quy định rất cụ thể việc tổ chức hội thảo, hội nghị để giới thiệu sản phẩm. Cùng với đó là quy định cụ thể việc đăng ký, xác nhận việc tổ chức hội thảo, hội nghị đó; và trong thông tư cũng quy định rõ về báo cáo viên như ai được quyền báo cáo, điều kiện như thế nào mới được làm báo cáo viên... Quan trọng nhất là phải đăng ký nội dung tài liệu để giới thiệu sản phẩm tại hội nghị, hội thảo của doanh nghiệp. Đây chính là quy định để quản lý và xử lý vi phạm liên quan đến vấn đề giới thiệu sản phẩm tại hội thảo, hội nghị của doanh nghiệp.

BTV: Tôi xin mượn đoạn kết của một đồng nghiệp “ việc quản lý giá sữa cho trẻ em trước hết phải bắt đầu từ… cái tên. Điều quan trọng là, dù với tên là sữa bột, sữa bột công thức dành cho trẻ hay sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn vi chất dinh dưỡng…. thì đây vẫn là mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu của trẻ em và lâu nay trẻ em vẫn dùng. Do đó, dù có tiêu chuẩn mới, tên gọi mới nhưng vẫn cần đưa những sản phẩm này vào danh sách sản phẩm phải kê khai khi điều chỉnh giá, để quản lý giá, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng”. Các vị khách mời nghĩ thế nào về đoạn kết của bài báo này?.

Ông Phạm Vũ Anh: Tôi đồng tình với quan điểm này và chúng ta phải quản cái gì thực sự cần thiết.

Ông Lê Hoàng: Sữa là mặt hàng quan trọng với trẻ nhỏ, để cho trẻ em dùng sản phẩm như vậy, nhiều hơn thì chúng tôi đồng tình với việc đưa mặt hàng này vào danh mục hàng hóa cần bình ổn giá.

BTV: Xin cảm ơn các vị khách mời. Cảm ơn sự theo dõi của độc giả.