KTĐT - Đối với các thị trường ngoại hối, việc tiếp tục quá trình “tự do hóa có kiểm soát” là điều mà Việt Nam cần làm.
Lĩnh vực tiền tệ, ngoại hối, thị trường vốn trong năm nay sẽ diễn biến theo hướng nào là câu hỏi không dễ trả lời
Năm 2009 là năm không yên ả đối với thị trường tài chính Việt Nam khi các lĩnh vực tiền tệ, ngoại hối, thị trường vốn đều biến động phức tạp và liệu thực tế này có tái hiện trong năm nay không lại là câu hỏi không dễ trả lời.
Đầu xuân Canh Dần, ông Ewan Patrick, Giám đốc Khối tài chính của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam đã chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này.
Thưa ông, có nhận xét rằng, 3 yếu tố cơ bản của thị trường tài chính: thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối và thị trường vốn có quan hệ mật thiết với nhau nhưng chính sách quản lý ở mỗi thị trường lại “đèn nhà ai nấy rạng” nên giữa chúng thiếu sự liên kết và làm cho thị trường tài chính phát triển thiếu bền vững. Ông nghĩ sao?
Mặc dù có nhận định như vậy nhưng nhìn nhận riêng đối với thị trường chứng khoán, tôi nghĩ cần khuyến khích việc trao quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thực hiện trách nhiệm giám sát sự phát triển, điều hành thị trường tài chính Việt Nam nói chung, đồng thời đảm bảo rằng những nguồn lực tương xứng sẽ được đặt đúng chỗ nhằm thực thi những nhiệm vụ trên có lẽ là yếu tố thành công quan trọng hàng đầu ở đây.
Những nguồn lực này bao gồm nhiều hình thức và cách thức khác nhau ví dụ như từ việc đào tạo kĩ thuật, đầu tư hệ thống công nghệ giám sát phù hợp cho tới chi tiêu dành cho marketing nhằm khuyến khích huy động vốn từ thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tiếp thu ý kiến từ các cơ quan làm luật, cơ quan tài chính và thuế để tránh việc triển khai khung pháp lý dành cho thị trường tài chính thiếu đồng bộ với những lĩnh vực liên quan. Đôi khi, phương thức tiếp cận riêng rẽ trong chính sách quản lý 3 khu vực kể trên có thể làm tăng cơ hội thực hiện nghiệp vụ giao dịch hoán đổi đầu cơ, dù điều này được cho là không đem lại lợi ích đối với sự phát triển bền vững lâu dài của thị trường tài chính.
Năm 2009 cũng là năm mà công cụ hành chính được sử dụng khá nhiều đối với lĩnh vực tiền tệ và ngoại hối. Điều này dấy lên sự lo ngại về sự méo mó của thị trường. Quan điểm của ông?
Cả hai thị trường này đều đang bị bóp méo do việc áp dụng một số quy định. Liên quan tới thị trường tiền tệ, chính sách trần lãi suất cho vay ngân hàng (150% lãi suất cơ bản) hiện đang được áp dụng không tạo điều kiện cho các ngân hàng cho vay với mức lãi suất được định giá hợp lý theo rủi ro.
Điều này làm tăng tính hấp dẫn của các thị trường tiền tệ nước ngoài, đồng thời tình hình hiện nay cho thấy năm 2010 được xem là sẽ tiếp tục có sự gia tăng của hiện tượng huy động vốn nợ bằng các công cụ phức tạp hơn (tiếp theo sự kiện Vincom phát hành trái phiếu chuyển đổi vào tháng 11 năm 2009), khởi đầu từ thị trường tiền tệ Singapore.
Đối với thị trường ngoại hối, việc áp dụng biên độ giao động tương đối chặt đối với tỷ giá VND/USD do Ngân hàng Nhà nước ấn định (cũng như việc cơ quan này tuyên bố giảm biên độ vào cuối tháng 11/2009) có nghĩa là đồng VND tiếp tục không được tự do chuyển đổi, trong khi đó vẫn tiếp tục tồn tại sự chênh lệch giữa tỷ giá giao dịch chính thức và tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do - nhiều công ty và cá nhân buộc phải giao dịch trên thị trường này.
Có người nói rằng, thị trường ngoại hối năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp và buộc cơ quan quản lý sử dụng nhiều công cụ hành chính hơn nữa. Nhận định của ông như thế nào?
Theo tôi, không nhất thiết phải có thêm các quy định mới vì nó sẽ làm cho thị trường ngoại hối phức tạp hơn. Lý do cơ bản là các thành viên thị trường và cơ quản quản lý đã có nhiều trải nghiệm trong năm 2009 vừa qua, bởi vậy hoạt động điều tiết thị trường cần được hoạch định và triển khai một cách hiệu quả hơn trong bối cảnh bức tranh kinh tế trong nước và toàn cầu trở nên rõ ràng hơn so với các giai đoạn trước năm 2009.
Về tổng thể, tính thanh khoản của đồng đô la sẽ vẫn là vấn đề bức xúc nhất và đô la Mỹ đóng vai trò quan trọng trong cán cân thương mại và thanh toán và đặc biệt việc xuất khẩu của một quốc gia. Trong nỗ lực tiến tới có được đồng tiền tự do chuyển đổi, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ vận động theo hướng tự điều chỉnh vị thế ngoại hối hoặc cán cân thanh toán để đảm bảo được lợi thế cạnh tranh của mình và trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế nhờ việc giảm giá đồng nội tệ.
Nếu có thể góp ý kiến với cơ quan quản lý để xây dựng một thị trường tài chính bền vững thì đó là gì, thưa ông?
Một trong những lĩnh vực cơ bản cần phải tăng cường kiểm tra là các quy định của thị trường tiền tệ và các quy định của thị trường cổ phiếu niêm yết song song với việc tăng cường giám sát và thực thi các quy định này.
Ngoài ra, ở nhiều nước trên thế giới, khi trải qua giai đoạn phát triển kinh tế giống như Việt Nam hiện nay, các công ty mong muốn tham gia thị trường tài chính ở nước ngoài thì trước hết, họ được yêu cầu phải tham gia thị trường trong nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính trong nước.
Khi tôi nghĩ tới việc các công ty có đường ống dẫn dầu của Việt Nam đang cân nhắc và chuẩn bị huy động vốn tại Singapore, thì tôi có thể băn khoăn rằng tại sao một chính sách như vậy lại có thể giúp ích được cho sự phát triển thị trường tài chính của các nước khác, trong khi thị trường tài chính của bản thân nước đó đang cần tăng cường phát triển và rõ ràng là có nhu cầu phát triển.
Đối với các thị trường ngoại hối, việc tiếp tục quá trình “tự do hóa có kiểm soát” là điều mà Việt Nam cần làm. Tôi cũng đặt niềm tin khi dự án Dung Quất và các nhà máy lọc dầu khác đi vào hoạt động trong tương lai thì chúng ta sẽ được chứng kiến sự chuyển dịch trong cơ cấu tổng thể của xuất, nhập khẩu của đất nước, mà chắc chắn sự chuyển dịch này sẽ có ảnh hưởng tới đồng VND.
Từ góc độ ngân hàng, việc tăng yêu cầu dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng có thể hữu ích trong việc giảm đầu cơ và các khoản đầu tư rủi ro cao phát sinh từ tình trạng tăng trưởng liên tục của các khoản tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Khi chương trình hỗ trợ lãi suất kết thúc và giá bất động sản bắt đầu tăng ổn định trở lại tiếp theo giai đoạn bình ổn nửa cuối năm 2009, thì phạm vi tác động mà chương trình này đem lại như các khoản nợ xấu và các khoản đầu tư được tái cấp vốn với lãi suất thấp cần được giám sát một cách chặt chẽ...