KTĐT - Trong bối cảnh đó, ở trong nước, người ta sẽ đẩy giá vàng lên một mức có khoảng chênh nhất định, cao hơn so với giá vàng thế giới, vì họ cần dự phòng rủi ro về giá vàng.
Nhiều nhà đầu tư Việt Nam thường mua cao, bán thấp. Đi ngược thị trường, đương nhiên là thiệt - ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả thị trường trong nước, Bộ Tài chính nói như vậy về tình hình đầu tư trên thị trường vàng hiện nay.
PV: Đến nay, đã có những dự báo kỷ lục, cho rằng, giá vàng thế giới còn lên tới 1.300USD/ounce, thậm chí là hơn. Ông có bình luận gì về động thái của giới đầu tư vàng trong nước?
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (ảnh: VNN) |
- Người dân vẫn tập trung đầu tư vàng, vì lạm phát có thể sẽ lên cao, họ lo sợ đồng tiền mất giá.
Giờ đây, người ta đang kỳ vọng, giá vàng còn lên nữa. Rõ ràng, có những dự báo rất ngạc nhiên. Ở thời điểm, giá vàng được dự báo sẽ lên tới 1.200USD/ounce, giá vàng thế giới khi đó vẫn còn đang dưới 1.000USD/ounce. Người ta không tin nó sẽ xảy ra và rồi cuối cùng thì ngày 26/11, giá vàng thế giới đã lên áp sát mốc kỷ lục đó, tới 1.196USD/ounce.
Diễn biến như vậy đã càng củng cố thêm cho lòng tin của nhà đầu tư rằng, các dự báo như lên tới 1.300USD/ounce có thể sẽ là sự thật trong nay mai.
Trong bối cảnh đó, ở trong nước, người ta sẽ đẩy giá vàng lên một mức có khoảng chênh nhất định, cao hơn so với giá vàng thế giới, vì họ cần dự phòng rủi ro về giá vàng.
Ngoài ra, còn do yếu tố về chi phí, tác động của tỷ giá hối đoái. Vì thế, khoảng chênh lêch giá trong nước và giá thế giới là một thực tế mà nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận.
PV: Ông nói gì về những mốc giá kỷ lục của 2 đợt tăng giá vàng trong nước, cùng ngưỡng 29 triệu đồng/lượng trong ngày 11/11 và ngày 26/11?
- Việc tăng giá như hôm 11/11 là rất phi lý, mang nặng yếu tố tin đồn, làm giá, đầu cơ.
Khi đó, giá vàng trong nước tăng vọt lên mốc 28,5- 29,3 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới mới đạt tới mốc 1.117USD.
Thị trường vàng trong nước dễ bị tác động bởi tin đồn (ảnh: Phạm Huyền) |
Còn hiện nay, khi giá vàng thế giới tăng áp sát mốc 1.200USD/ounce, cao hơn tới trên 80USD/ounce thì giá vàng trong nước cũng chỉ tới mốc 29 triệu và có lúc, còn hạ nhiệt, chỉ 27-28 triệu đồng/lượng.
Chính phủ không cho nhập khẩu vàng trong một thời gian dài vừa qua, nên có thể, đã tạo ra sự mất cân đối cung cầu cho thị trường này. Trong khi đó, thị trường vàng trong nước là liên thông chặt chẽ với thị trường vàng thế giới. Mọi động thái tăng giá vàng trong nước được điều chỉnh theo giá vàng thế giới.
Điều này đã tạo cơ hội cho việc tung tin đồn thiếu hụt vàng trong nước của giới đầu cơ. Đó cũng chính là yếu tố tạo ra cơn sốt đổ xô, chen chúc nhau đi mua vàng ngày 11/11, khiến giá vàng vọt lên cao.
Khi Ngân hàng Nhà nước quyết định cho nhập khẩu vàng trở lại, những yếu tố đó bị dập tắt và giá hạ xuống.
Các nhà đầu tư lần này đã có kinh nghiệm, có độ lùi nhất định để tính toán hợp lý thời điểm mua, họ không đua nhau mua theo đám đông nữa. Giá vàng trong nước đã đi theo đúng xu hướng của giá thế giới.
PV: Việc Ngân hàng nhà nước tăng tỷ giá hối đoái liên ngân hàng theo ông, có tác động thế nào tới giá vàng?
Khi đã nâng tỷ giá hối đoái liên ngân hàng thì nghĩa là, nó sẽ giúp thu hẹp khoảng cách với thị trường USD phi chính thức. Khi đó, áp lực về cầu trên thị trường USD phi chính thức giảm, đã kéo tỷ giá USD chợ đen này xuống, do đó, nó cũng đã tác động tới thị trường giá vàng, làm giá vàng giảm nhiệt.
PV: Đầu năm, ta tái xuất hàng chục tấn vàng với giá chưa đến 1.000USD,/ounce còn nay, thiếu vàng, ta phải cho nhập vào với giá cao, sát 1.200USD/ounce. Ông nhìn nhận cách điều hành này thế nào?
- Khi coi vàng là loại hàng hoá thì doanh nghiệp thường bán khi có lợi, sẽ lại mua khi thấy có hiệu quả kinh doanh. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, hay của quốc gia, tôi cho rằng, việc xuất- nhập đó là sự vận động theo kinh tế thị trường, hết sức bình thường.
Nhập vàng không tác động lớn tới nhập siêu năm nay. (ảnh: Phạm Huyền) |
Cá nhân tôi không phản đối chuyện chúng ta tái xuất vàng hồi đầu năm. Khi đó, có sự chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới. Tất nhiên, cái đó không nên tính vào thành tích xuất khẩu vì vàng, chúng ta có làm ra được đâu. Nhưng đó là một hoạt động kinh doanh.
PV: Thưa ông, hiện nay, chúng ta cho nhập vàng không giới hạn. Ông có lo điều này sẽ tác động làm gia tăng mạnh nhập siêu, vốn đang là thách thức lớn của nền kinh tế?
- Chắc chắn, nhập vàng sẽ làm ảnh hưởng nhập siêu, làm thâm hụt cán cân thương mại. Vì trước đây, chúng ta không cho nhập vàng cũng chính là vì sợ nhập siêu.
Rà soát lại, 11 tháng, tổng nhập siêu là trên 10,19 tỷ USD, mức nhập siêu mỗi tháng gần đây là 1,5-1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà làm chính sách cũng đã tính, nếu nhập thêm vàng, thì từ nay đến hết năm, chỉ cũng thêm khoảng 3 tỷ USD thôi.
Như vậy, tổng nhập siêu cả năm của ta vẫn nằm trong ngưỡng 12,5 tỷ USD mà ta đã dự tính.
Hơn nữa, với 6,8 tấn vàng vừa nhập về, tính ra, giá trị không lớn lắm để tác động mạnh với kim ngạch nhập khẩu. Trong bối cảnh này, tôi nghĩ, nhập vàng là rất cần thiết vì nếu không cho nhập, thị trường vàng trong nước còn hỗn loạn nữa.
Tuy nhiên, vì nhập vàng sẽ liên quan đến thị trường ngoại tệ nên nhà quản lý phải xem xét tác động của nó tới cân dối vĩ mô. Nhưng, cần hiểu rằng, không phương án quyết sách nào là toàn vẹn cả, phải đứng trên quan điểm lợi ích quốc gia.
PV: Ông có suy nghĩ gì về “thói quen” đầu tư theo đám đông hiện nay vẫn đang diễn ra trên thị trường vàng?
- Đối với các nhà đầu tư cá nhân, không thể yêu cầu họ là không theo tâm lý đám đông được, nhất là khi họ không có khả năng thẩm định thông tin. Việc đầu tư do bản lĩnh của nhà đầu tư. Tuy nhiên, vì họ là nhà đầu tư nhỏ lẻ nên họ sẽ không quyết định lớn đến thị trường cả nước.
Còn để chống lại tâm lý ấy, chỉ có hai cách. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Việt Nam nếu tham gia đầu tư theo kiểu đó thì một số đã bị trả giá đắt rồi, ở thời điểm năm 2008-2009. Thậm chí, đầu tư vàng vừa rồi mà chạy theo đám đống cũng đã bị trả giá không rẻ.
Thứ hai là việc ổn định kinh tế vĩ mô. Cách quản lý và truyền thông tin về điều hành vĩ mô đóng vai trò rất lớn, tác động tới nhà đầu tư. Bản thân thông tin trên thị trường phải chống lại được hiện tượng tung tin đồn, thổi giá, kể cả ngoại tệ, chứng khoán thì .. càng nhiều thông tin công khai, minh bạch thì nhà đầu tư sẽ có lựa chọn tốt.
PV: Theo ông, ai được lợi trong những cơn biến động mạnh của giá vàng hiện nay?
- Nhiều người vẫn cho rằng, công ty kinh doanh vàng là được lợi nhất. Nhưng tôi cho rằng, cũng không hẳn là vậy. Vì khi giá vàng lên cao tới 29 triệu đồng/lượng bản thân các công ty cũng phải niêm yết giá vàng mấy chục lần trong một ngày.