Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiết thực mô hình mới hỗ trợ người nghiện

Minh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý” trên địa bàn TP Hà Nội đang được triển khai thí điểm tại quận Long Biên và Nam Từ Liêm. Thực tế triển khai thời qua trên địa bàn quận Long Biên đã cho thấy những hiệu quả bước đầu tích cực.

 Ảnh minh họa

Từ tháng 4/2019, UBND quận Long Biên phối hợp với Sở LĐTB&XH Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức ra mắt mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý trên địa bàn quận Long Biên” theo Kế hoạch 40/2019/KH-UBND của UBND TP Hà Nội. Mô hình được áp dụng thí điểm tại 3 phường Bồ Đề, Ngọc Lâm, Ngọc Thụy. Tại những phường này bố trí 1 phòng tư vấn tại trạm y tế, lựa chọn điều phối viên, tư vấn viên để thực hiện nhiệm vụ điều phối các hoạt động kết nối giữa các thành viên tham gia trong các hoạt động chuyên môn của mô hình, đồng thời kết nối với các đơn vị và cử cán bộ tham gia hỗ trợ quá trình đánh giá. Bằng những biện pháp tích cực, theo số liệu của Phòng LĐTB&XH quận Long Biên, đến cuối tháng 7/2020, tổng số người nghiện ma túy được chuyển gửi theo mô hình là 120 người trong đó: Số người nghiện ma túy được Điều phối viên tiếp nhận sàng lọc ASSIST và sàng lọc DASS là 120 người; được hỗ trợ chuyển gửi đến dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy là 69 người; được tư vấn chuyển gửi đến dịch vụ xét nghiệm HIV, lao, viêm gan A, B, C là 19 người; được tư vấn chuyển gửi đến dịch vụ điều trị thay thế bằng methadone là 14 người, đa phần là những người có hoàn cảnh khó khăn, bản thân là lao động chính trong gia đình, có ý thức tốt và đang đi làm; được tư vấn chuyển gửi đến dịch vụ điều trị rối loạn tâm thần là 4 người, là những người nghiện có biểu hiện ngáo đá, thần kinh, và được hỗ trợ chuyển gửi đến bệnh viện tâm thần để điều trị; được tư vấn chuyển gửi đến dịch vụ hỗ trợ pháp lý, hành chính. Mô hình cũng đã hỗ trợ 14 người, đa phần là những người đang vướng mắc về pháp lý, đã ngừng sử dụng ma túy trong một thời gian dài bị tái nghiện nhưng không sử dụng thường xuyên, ý thức tốt, có thể kiểm soát và mong muốn tìm việc làm.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Mô hình có hiệu quả trong thời gian tới UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích và hoạt động của mô hình trên toàn bộ địa bàn thí điểm thông qua các kênh truyền thông, phát tờ rơi, tờ gấp, đưa tin trên cổng thông tin điện tử, bản tin nội bộ, nơi niêm yết thông tin của các tổ dân phố... Phối hợp tuyên truyền đưa thông tin tại các hội nghị của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ dân phố về triển khai mô hình để thực hiện tốt việc truyền tải thông tin tuyên truyền đến đối tượng và Nhân dân.