Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu cát làm cao tốc, Cà Mau xin được tháo gỡ

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước thực trạng thiếu nguồn cung ứng vật liệu cát phục vụ thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có công văn đề nghị Thủ tướng xem xét, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong khai thác.

Một đoạn cao tốc Bắc - Nam qua Cà Mau đang thi công chậm do thiếu cát (Hoàng Nam)
Một đoạn cao tốc Bắc - Nam qua Cà Mau đang thi công chậm do thiếu cát (Hoàng Nam)

Có kinh phí nhưng thiếu cát

Ngày 15/5/2024, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt vừa ký văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong khai thác cát phục vụ tuyến cao tốc đi qua Cà Mau.

Về phía nhà thầu, kinh phí thực hiện đã được Bộ Giao thông vận tải bố trí đầy đủ, kịp thời. Trong năm 2022, đã bố trí 253 tỉ đồng, đã giải ngân đạt 100%; kế hoạch vốn năm 2023 đã được bố trí 355,04 tỉ đồng, đã giải ngân đạt 100%. Riêng năm 2024 đã bố trí 67,2 tỉ đồng, đã giải ngân đạt 3,27% (do vướng mẫu phân khai vốn năm 2024).

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải kiểm tra công trình cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Cà Mau ngày 2/5/2024 (CTV)
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải kiểm tra công trình cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Cà Mau ngày 2/5/2024 (CTV)

Theo UNND tỉnh, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, trong đó có đoạn Hậu Giang - Cà Mau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, thực trang hiện nay đang gặp các vướng mắc trong khai thác, cung ứng vật liệu cát đắp nền, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công tuyến này. Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau chỉ mới đạt sản lượng gần 26%, chỉ tập trung ở phần công trình cầu, phần tuyến chính cao tốc phải xử lý đất yếu là đường găng của dự án phải triển khai chậm do thiếu vật liệu cát đắp nền.

Tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 18,5 triệu m3 nhưng thực tế đến nay các nhà thầu tiếp nhận về công trường được khoảng hơn 3,5 triệu m3.

Qua ghi nhận thực tế từ công trình cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn Hậu Giang - Cà Mau hiện còn nhiều đoạn chỉ mới đắp khuôn hộ, chưa có cát để san lấp; nhiều vị trí xây dựng cầu dù có khối lượng nhưng chưa đạt tiến độ… Lý giải về vấn đề này, các chủ thầu xây dựng cho biết, năng lực khai thác cát hạn chế đã khiến việc cung cấp cát đến công trình bị ảnh hưởng.

Cần gấp nguồn cung, tránh chậm tiến độ

UBND tỉnh Cà Mau qua làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho thấy, đối với đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Cà Mau, vướng mắc chủ yếu do nguồn cung cấp vật liệu cát đắp nền chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Về vật liệu cát sông, đến nay chưa xác định đủ nguồn cung; việc hoàn thiện thủ tục để khai thác tại các mỏ còn chậm; công suất khai thác của các mỏ chưa đáp ứng tiến độ thi công do bị khống chế công suất khai thác cát theo ngày bởi quy định trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường và quyết định giao mỏ.

UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, với khối lượng, công suất khai thác mỏ như hiện nay, tiến độ dự án đến hết năm 2025 sẽ chậm khoảng 5-6 tháng so với tiến độ được duyệt.

Theo phản ánh của các nhà thầu, cần sớm hoàn thành cấp phép bổ sung các mỏ mới và nâng công suất khai thác đối với các mỏ vật liệu cát sông đang khai thác. Đối với cát biển, mặc dù có trữ lượng lớn nhưng đến nay chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan nên chưa thể khai thác đưa vào sử dụng cho các dự án.

“Trước khó khăn trên, UBND tỉnh Cà Mau kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương có mỏ cát tiếp tục triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả để tập trung tháo gỡ vướng mắc trong khai thác, cung ứng vật liệu cát đắp nền. Việc này nhằm bảo đảm việc khai thác cát đáp ứng tiến độ thi công tuyến cao tốc theo đúng kế hoạch” – công văn nêu rõ.

Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có tổng chiều dài 73,223 km; trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Cà Mau dài 21,9 km. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có đầu tư đoạn tuyến nối để kết nối từ điểm cuối cao tốc đến QL1, chiều dài 16,6 km. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo dự án được duyệt là 675,6 tỉ đồng. Đoạn qua địa bàn tỉnh Cà Mau dài 21,9 km có tổng diện tích giải phóng mặt bằng là 140 ha, đến nay đã chi trả và bàn giao mặt bằng đạt tỷ lệ 100%.