Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu hiểu biết kiến thức bảo vệ động vật hoang dã

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khảo sát của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, 35% ý kiến cho rằng pháp luật Việt Nam không quy định xử phạt người tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD), 62% cho rằng chưa có ai tiêu thụ sản phẩm ĐVHD bị xử phạt trong thực tế.

Chiều 8/9, Tổng cục Môi trường phối hợp với các đơn vị tổ chức công bố kết quả khảo sát về kiến thức, thái độ và hành vi liên quan đến sử dụng sản phẩm từ ĐVHD tại Hà Nội.

Kết quả phỏng vấn hơn 1.000 người trong độ tuổi từ 20-69 cho thấy hành vi tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD ở Hà Nội vẫn còn khá phổ biến. Tỷ lệ người đã từng sử dụng thực phẩm, thuốc và đồ trang trí làm từ ĐVHD lần lượt là 69%, 67% và 12%.

Các loài ĐVHD được tiêu thụ dưới dạng thực phẩm khá phong phú, nhiều nhất là rắn, trăn, hươu, nai… thậm chí có cả những loài đang thuộc diện nguy cấp cần được bảo tồn.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy kiến thức về pháp luật bảo vệ ĐVHD của người dân còn rất hạn chế. Gần 35% cho rằng pháp luật Việt Nam không quy định xử phạt người tiêu thụ sản phẩm ĐVHD, 62% cho rằng chưa có ai tiêu thụ sản phẩm ĐVHD bị xử phạt trong thực tế, 2/3 số người được hỏi cho rằng mức xử phạt tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD theo pháp luật còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Có 4 nhóm yếu tố tác động chính đến hành vi sử dụng, tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD của người dân. Thứ nhất là nhận thức, thái độ và niềm tin vào công dụng của các sản phẩm từ ĐVHD, đặc biệt là các sản phẩm chữa bệnh và tăng cường sức khỏe. Thứ hai là kiến thức bảo vệ môi trường và ĐVHD chưa đầy đủ. Thứ ba là nguồn cung cấp sản phẩm từ ĐVHD đa dạng, công khai và dễ dàng tiếp cận. Thứ tư là kiến thức về pháp luật bảo vệ ĐVHD còn hạn chế, nhiều người vẫn cho rằng, pháp luật không quy định xử phạt người tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD.

Qua các kết quả nghiên cứu, các nhà quản lý, các chuyên gia cũng thảo luận về khung pháp lý và chính sách quản lý bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm.

Theo đại diện của Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và Chính sách phát triển bền vững, sự phân định trách nhiệm giữa các bộ, ngành còn chưa rõ ràng, chức năng nhiệm vụ chồng chéo dẫn đến hạn chế hiệu quả thực thi đối với các hoạt động quản lý ĐVHD. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, thiếu văn bản hướng dẫn xử lý hình sự. Thực tế, chưa có văn bản hướng dẫn quy trình kỹ thuật cụ thể và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong hoạt động cứu hộ ĐVHD.

Trên cơ sở phân tích những bất cập, các chuyên gia đã cùng đưa ra các khuyến nghị cụ thể để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý ĐVHD nguy cấp, quý hiếm.

Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý khai thác và buôn bán ĐVHD, khắc phục các điểm chồng chéo. Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh kiểm tra các hoạt động về cứu hộ, tái thả và nguồn gốc ĐVHD; ban hành các quy định về hướng dẫn kỹ thuật, trình tự, thủ tục, nâng cao nhận thức và tăng cường sự hỗ trợ của cộng đồng và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc tuân thủ và cưỡng chế pháp luật.

Đặc biệt, cần ban hành các quy định về hướng dẫn kỹ thuật, trình tự, thủ tục đối với cơ sở gây nuôi ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, không khuyến khích gây nuôi vì mục đích thương mại; cần hướng tới việc thiết lập cơ chế quỹ cho việc quản lý và bảo tồn ĐVHD.