Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu liên kết sẽ không thể trụ vững

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 14/11, bên lề lễ khai mạc "Triển lãm quốc tế Thiết bị và Nguyên phụ liệu ngành may" tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Hoàng Vệ Dũng đã có cuộc trao đổi với báo chí về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành dệt may hiện nay.

Thiếu liên kết sẽ không thể trụ vững - Ảnh 1

Ông đánh giá thế nào về triển vọng XK của dệt may Việt Nam trong thời gian tới?

- Sau 10 tháng, toàn ngành XK đạt 12,8 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Đây là cơ sở dự kiến cả năm ngành đạt gần 17 tỷ USD, tiến tới 20 tỷ USD vào năm 2015. Hy vọng tháng 11, 12/2012 là thời điểm "nóng" với nhiều đơn hàng.

Còn tình hình tiêu thụ nội địa ra sao, thưa ông?

- Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, Vinatex đã có nhiều giải pháp nhằm mở rộng hệ thống phân phối nội địa, các đơn vị nòng cốt như Vinatex Mart, May Việt Tiến, Nhà Bè, May 10… đã tích cực tham gia. Nhiều hình thức khuyến mại, giảm giá hang tháng, thậm chí hàng tuần được triển khai. Nhờ đó, tăng trưởng nội địa dệt may năm nay đạt 14 - 20%, tồn kho dưới mức cho phép. Năm 2013, Tập đoàn chủ trương tăng đầu mối bán hàng, đẩy mạnh dịch vụ, chú trọng thiết kế thời trang, khai thác hiệu quả nguyên phụ liệu (NPL) để đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Mới đây, Vinatex đã ký kết sử dụng sản phẩm của nhau với các doanh nghiệp (DN) trong nước. Thực hiện chương trình phát động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tới đây, bản thân DN cần đưa ra những dịch vụ, sản phẩm thời trang với chất lượng vải, mẫu mốt đáp ứng tiêu dùng tốt hơn.

Để trụ vững trong tình hình thị trường hiện nay, các DN dệt may cần phải làm gì?

- Muốn tồn tại, DN cần đổi mới chuỗi cung ứng, tăng năng suất lao động cũng như chú trọng hơn cho mẫu mã, chất lượng. Mặt bằng thu nhập ngày càng tăng, lương bình quân DN dệt may không còn 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng như năm nay mà sẽ là 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Nếu không tự cải tiến, DN sẽ không giữ được lao động.

Khi DN nhỏ đóng cửa, DN lớn chính là người hưởng lợi do lao động, đơn hàng… trôi về. Tức là DN nào có chiến lược đầu tư bài bản sẽ đứng vững, nếu quy mô nhỏ phải liên kết với nhau, hợp tác với DN lớn.

Xin cảm ơn ông!