Kinhtedothi - Với mức từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Tuy nhiên, việc tăng giá điện vào lúc này liên quan rất lớn đến việc phục hồi của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu về kinh tế - xã hội năm 2015, chính vì thế, Thường trực Chính phủ đã rất cân nhắc khi đưa ra quyết định mức tăng 7,5%.
Cân nhắc các giải pháp ngoài việc tăng giá
Tăng giá điện hiện không còn là vấn đề quan trọng với nhiều người dân bằng việc tất cả những chi phí trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh của ngành điện cần phải được công khai, minh bạch. Điều đó đồng nghĩa với việc EVN cũng như Bộ Công Thường đưa ra những lý do thuyết phục hơn cho việc tăng giá điện thay vì những giải thích lòng vòng, những so sánh chưa thuyết phục. Bên cạnh đó, tăng giá không nên là giải pháp duy nhất mà ngành điện sử dụng, đặc biệt là khi nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi, giá cả nhiều mặt hàng đang có những sự chia sẻ nhất định với khó khăn chung trong quá trình này.
Giải pháp tăng giá bán điện xét về tổng thể là cần thiết vì hiện nay, giá điện duy trì ở mức thấp khá lâu sẽ khiến ngành điện thiếu nguồn vốn đầu tư do khó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển nguồn điện, hệ thống điện đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế về dài hạn. Tuy nhiên, vấn đề mà những khách hàng của ngành điện đặt ra đó là ngành điện phải công khai, minh bạch hơn nữa, loại bỏ ra những khoản chi phí bất hợp lý để tính toán điều chỉnh giá điện chính xác, tiến dần đến việc điều hành giá theo cơ chế thị trường.
Thực tế, không phải đến khi Thường trực Chính phủ thông qua phương án điều chỉnh mức tăng giá 7,5%, mà trước đó, Thủ tướng Chính phủ rất nhiều lần yêu cầu ngành điện tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thực hiện lộ trình thị trường điện cạnh tranh. Ngay cả EVN cũng thừa nhận, sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm, tổn thất điện năng cao, năng suất lao động thấp vẫn đang là những thách thức lớn của Tập đoàn trong năm 2015. Báo cáo năm 2014 của EVN cho thấy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm mới chỉ dừng lại ở khối sinh hoạt, còn lĩnh vực công nghiệp (chiếm gần 54% sản lượng điện tiêu thụ) chưa hiệu quả. Trong khi đó, tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2015 mà EVN phải thực hiện là còn 8% trong khi tỷ lệ này vẫn ở mức 8,6%... Các chuyên gia cho rằng, tổn thất điện năng, lãng phí năng lượng trong khi nhu cầu sử dụng điện cao là nguyên nhân cơ bản làm cho hệ số đàn hồi (tăng trưởng tiêu thụ điện/GDP) cao, gây áp lực cho sự phát triển và dẫn đến hiệu quả của ngành điện giảm.
Hiện, hệ số đàn hồi của Việt Nam là khoảng 1,8% - cao hơn nhiều lần so với thế giới. Nghĩa là để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt 6,2% thì ngành điện cần tăng trưởng trên 11%. Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp cho điện đang dần cạn kiệt. Thủy điện cơ bản khai thác hết vào năm 2017; dầu khí cũng đã khai thác khoảng 30%; sản lượng than trong nước ngày càng khó khăn; năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng nhỏ...
Một bài toán khác mà khách hàng đặt ra cho ngành điện cần giải quyết trước khi đề cập đến việc tăng giá là tăng năng suất lao động. Một số liệu khảo sát mới đây cho thấy, năng suất lao động của EVN đang thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu lấy giá trị sản lượng 120 tỷ kWh điện phát ra hàng năm trên tổng số lao động là 110.000 người, thì một người trong một năm chưa đạt được 1,1 triệu kWh điện.
Những thách thức này cùng với việc thực hiện lộ trình thị trường điện cạnh tranh, thị trường hóa giá bán điện đang là những áp lực đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó có cả việc đẩy nhanh tiến độ đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa các đơn vị thuộc EVN theo lộ trình đã đề ra.
Khó công khai, minh bạch nếu…
Giá điện theo thị trường là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Trong thời gian qua, các cấp độ tiến tới thị trường điện cạnh tranh đang được triển khai. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Minh Phong, hiện tại, hoạt động của ngành điện gồm có 3 khâu: Phát điện, truyền tải và phân phối, trong đó, khâu truyền tải không thể cạnh tranh, chỉ còn khâu phát điện và phân phối điện. Đáng chú ý là EVN đang độc quyền trong phân phối điện. Mặc dù thị trường đã ở giai đoạn phát điện cạnh tranh, song vẫn còn trong giai đoạn độc quyền mua điện. Người mua điện từ các nhà máy và phân phối điện đến người tiêu dùng duy nhất trên thị trường là EVN. Đồng thời, EVN hiện sở hữu và nắm giữ cổ phần chi phối tại hầu hết các nhà máy sản xuất điện, tổng công suất các nhà máy này chiếm khoảng 64% sản lượng điện. Như vậy, khi thị trường điện cạnh tranh chưa hình thành thì cơ quan quản lý Nhà nước cần tiến hành rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện, tham vấn chuyên gia, tham vấn người tiêu dùng và các bên liên quan. Qua đó, kiểm soát giá điện để bảo vệ lợi ích chung của người tiêu dùng, sử dụng điện. Về trung và dài hạn, cần tách EVN thành nhiều phần, tách riêng phần sản xuất và phân phối với truyền tải điện, sớm hình thành thị trường điện cạnh tranh. Theo các chuyên gia kinh tế, khi thị trường điện cạnh tranh chưa hình thành, những thông tin về các chi phí sản xuất, sử dụng các nguồn lực… vẫn còn chưa cụ thể, công khai, minh bạch thì những lý do tăng giá bán điện đưa ra sẽ khó thuyết phục người sử dụng.
Tăng giá điện sẽ ảnh hưởng lớn tới nhiều doanh nghiệp sản xuất. Ảnh: Nguyễn Tú
|
Qua tính toán, việc tăng giá điện 7,5% kể từ ngày 16/3 tới sẽ tác động trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 khoảng 0,23%. Đồng thời, tiền điện tăng thêm bình quân mỗi hộ tiêu thụ 50kWh/tháng khoảng 4.800 đồng; tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 100kWh/tháng khoảng 9.800 đồng. Tỷ lệ tăng giá thành sản xuất đối với một số sản phẩm có mức tiêu thụ điện cao như thép và xi măng khoảng từ 0,07 - 0,66%. |