Thực trạng này thể hiện ở việc các quy hoạch phân ngành điện, than, dầu khí, năng lượng mới và tái tạo được quy hoạch độc lập, tính thống nhất chưa cao. Theo TS Đoàn Văn Bình, Viện Khoa học Năng lượng, mặc dù Quy hoạch ngành dầu khí giai đoạn 2011 - 2012 có xét đến năm 2030, đến nay chưa được xây dựng nhưng lại có Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng phát triển đến năm 2025. Quy hoạch ngành Năng lượng tái tạo Việt Nam cũng vậy… Điều này dẫn đến việc quy hoạch các phân ngành năng lượng thiếu thống nhất, tỷ lệ đầu tư chưa hợp lý, giữa các giai đoạn quy hoạch. Không chỉ vậy, trong các quy hoạch phát triển ngành, việc phân bổ cơ cấu giữa các phân ngành, các giai đoạn quy hoạch chưa hợp lý khiến giá thành sản xuất tăng cao.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ nên căn cứ theo tình hình triển khai các dự án điện từ nay tới năm 2020 để điều chỉnh lại cho hợp lý, nếu không sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, các dự án trải đều ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, do đó khi quy hoạch và thiết kế các nhà máy nhiệt điện chạy than nằm dọc bờ biển miền Trung và miền Nam, đòi hỏi phải có cảng để đưa than phục vụ việc phát điện, tránh tình trạng phải qua nhiều khâu trung chuyển khiến giá thành tăng cao như hiện nay. Cũng theo ông Ngãi, thời gian hợp lý để phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực nên được phê duyệt sau khi có quy hoạch phát triển các phân ngành năng lượng nhằm đảm bảo được độ tin cậy.
Nhằm triển khai đồng bộ Chiến lược phát triển ngành năng lượng quốc gia, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên hiệu chỉnh, bổ sung, hoàn thiện và đồng bộ về thời gian quy hoạch các phân ngành năng lượng giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030. Việc làm này sẽ hỗ trợ tích cực trong việc tính toán các nhu cầu năng lượng các năm 2015 - 2020 có xét đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 nhằm phục vụ cho phát triển bền vững các ngành kinh tế.