Công chúng đã tỏ ra rất bất ngờ và ngạc nhiên trước những tác phẩm điêu khắc của một vị tướng công an, thưa ông!
- Tôi là người muốn khám phá cuộc sống đa chiều. Tôi tìm đến âm nhạc để tìm sự bình yên và hạnh phúc. Sau này, tôi lại đến nghệ thuật điêu khắc như một sự bổ sung cảm xúc khi những nốt nhạc không thể giúp tôi nói hết những tâm sự của mình. Nghệ thuật điêu khắc thực sự đã đem đến cho tôi một đời sống khác. Tất nhiên, nghệ thuật làm tượng rất vất vả, nhọc nhằn, nhưng nó giúp tôi có được những giây phút thư giãn, yên bình cho riêng mình.
Từ ngày chân ướt chân ráo vào ngành công an, trải qua nhiều cương vị công tác với biết bao thăng trầm cuộc sống, nhưng đối với tôi, đó đều là những ngày tháng ý nghĩa. Những năm 1972 - 1974 khi trường Trung học An ninh đóng quân tại huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, tôi đã có những ngày tháng được hòa mình với thiên nhiêu, núi rừng Tam Đảo. Những ngày ôn thi ngoài rừng, hành quân và lao động kiếm củi… đã giúp tôi có những tác phẩm đầu tay.
Bức điêu khắc Sư tử của Thiếu tướng Trần Gia Cường được nhiều người xem và ngợi khen.
Dẫu rằng, chỉ là những con thú, con giống xinh xinh, còn ngây ngô, nhưng thật đáng trân trọng. Bởi chúng đánh dấu bước đi quan trọng, mở ra một quá trình lao động nghiêm túc và kiên trì suốt 40 năm qua. "Dị mộc" là cách tôi tri ân với cuộc đời, với ngành Công an để đánh dấu 40 năm tôi được hoạt động trong quân ngũ.
Giữa những bộn bề tất bật của công việc chuyên môn, ông đã dành thời gian cho việc sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật vào lúc nào?
- Giữa những quãng nghỉ trong bộn bề công việc, bên cạnh cây đàn ghi-ta, tôi lại tay búa, tay đục như một cách thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Từ những rễ cây, gốc cây thô mộc xù xì hàng trăm năm tuổi, khi sáng tác, tôi luôn cố gắng để giữ lại những vẻ đẹp tự nhiên của thiên nhiên, của đường gân, thớ gỗ. Đó là những gì tinh túy nhất mà một đời cây còn lại.
Nghĩa là ông tự mày mò làm nghệ thuật và "Dị mộc" là những tác phẩm tinh tế nhất trong "kho" hơn 200 tác phẩm của mình?
- Để có được hơn 200 tác phẩm điêu khắc, tôi đã có sự hỗ trợ của rất nhiều người. Các thầy giáo, các nghệ sĩ điêu khắc, tạo hình như: Cố nghệ sĩ điêu khắc Cần Thư Công, họa sĩ Trần Khánh Chương, Nguyễn Quân, Thẩm Đức Tụ. Đặc biệt, nhà điêu khắc Vương Học Báo, nguyên Phó khoa điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã có rất nhiều công đào tạo và giúp tôi trưởng thành, có kiến thức về bộ môn mỹ thuật tạo hình này.
Chắc hẳn khi đem "Dị mộc" ra giới thiệu tại 29 Hàng Bài, ông không chỉ đơn thuần muốn thực hiện một triển lãm?
- Tôi muốn qua đây nói lời cảm ơn với cuộc đời, với những người yêu mến quanh mình, bởi mỗi ngày được sống, lao động và trải nghiệm đối với tôi đều lắng đọng thành một thứ phù sa. Thứ phù sa ấy tôi lại đem gửi gắm vào những tác phẩm âm nhạc cũng như tác phẩm điêu khắc của mình, những mong góp phần nhỏ bé tô điểm cho cuộc đời... Âu cũng là cách thường nghĩ của những người ở lứa tuổi chúng tôi - lứa "ngũ thập tri thiên mệnh". Tuổi 50 đã đủ để biết mình ở đâu trong cuộc đời này và đã biết trời cho ta những gì.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!