Tháng 10/2015, Công ty TNHH dịch vụ An Hạ (huyện Củ Chi) đưa ra thị trường 2 sạp chuyên bán thịt heo VietGAP tại chợ Hòa Bình (quận 5) cùng với sự giúp sức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM. Đây là lần đầu tiên thịt heo đạt chứng nhận VietGAP có truy xuất nguồn gốc rõ ràng được giới thiệu công khai và treo biển quảng bá ở chợ truyền thống. Giá sản phẩm này cũng bằng với thịt heo thông thường nên ngay từ những ngày đầu ra mắt, sản phẩm được khá nhiều khách hàng ưa chuộng và số lượng mua tăng cao.
Tuy nhiên, hầu hết tiểu thương tại chợ này lại phản ứng dữ dội vì cho rằng việc quảng bá thịt heo sạch ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ và vô hình chung biến họ thành người bán thịt heo “bẩn”.
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ cho biết, thực chất việc treo bảng hiệu để người dùng biết đến và lựa chọn là điều bình thường.Thịt heo VietGAP sạch khác với chuẩn thường nhưng nhiều tiểu thương không hiểu nên cứ nghĩ công ty cạnh tranh không lành mạnh.
“Chúng tôi chỉ muốn mang đến cho khách hàng một sản phẩm mới, chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Còn việc lựa chọn mua như thế nào là của người tiêu dùng”, bà Thắm nói.
Sau một thời gian giải thích thì cuối cùng tiểu thương tại chợ Hòa Bình cũng đã hết gây khó khăn với sạp thịt của công ty. Tuy nhiên, bà Thắm cho biết vẫn không dám mở thêm nhiều sạp tại các chợ vì sợ lại bị phản đối. Hiện tại, công ty đã mở rộng được 9 điểm bán, trong đó, đa phần là các cửa hàng nhỏ lẻ ở các địa điểm quận 7, quận 1, quận 3, siêu thị Big C… có kiểm định và dán tem đầy đủ.
“Đối với các hệ thống này mỗi ngày công ty chỉ tiêu thụ khoảng 20-30 con, 100-200 con còn lại chúng tôi buộc phải bán cho các tiểu thương khác và chịu cảnh không nhãn mác VietGap. Đây là một trong những bế tắc mà công ty vẫn chưa giải quyết được dù sản phẩm đạt chất lượng”, bà Thắm nói và chia sẻ thêm sở dĩ công ty không cho các tiểu thương, thương lái gắn nhãn mác VietGap lên sản phẩm vì lo ngại nhiều cơ sở làm ăn gian dối, lợi dụng thực phẩm có chất lượng của công ty trà trộn với thịt heo được nuôi thông thường để toan tính lợi riêng.
Cụ thể, trước đó, nhiều thương lái đã định lấy thịt heo của công ty để bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Phía công ty có yêu cầu thương lái cam kết chỉ bán thịt heo VietGAP của Công ty An Hạ, họ đã đồng ý. Thế nhưng, khi công ty đề nghị được quyền đột xuất lấy mẫu thịt heo để kiểm tra thì họ không chấp nhận.
Cũng theo đuổi và xây dựng quy trình chăn nuôi và cung ứng sản phẩm đạt chuẩn, giữa tháng 4 Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) công bố sẽ cung cấp 100% thịt heo đạt chứng nhận VietGAP trên toàn bộ hệ thống quầy kinh doanh thịt tươi sống của công ty. Tổng sản lượng thịt heo VietGAP mà đơn vị này cung ứng ra thị trường dự kiến đạt khoảng 70 tấn một ngày.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc công ty cho biết, hiện công ty đang xây dựng nhà máy giết mổ tại Long An với diện tích 10.000ha, vốn đầu tư 80 triệu USD, dự kiến hoàn tất vào năm 2018 với quy mô giết mổ 3.000 con heo một ngày.
Không chậm chân, CP cũng đang tăng tốc trong cuộc đua này. Ngoài việc cung cấp ra thị trường thực phẩm an toàn, đơn vị này còn đang lên kế hoạch mở rộng phân phối sản phẩm thịt heo Kurobuta - một loại thịt heo giống mới từ Nhật.
Chia sẻ với PV, lãnh đạo CP cho biết hiện tại loại thịt heo Kurobuta của công ty đa phần là bán cho nhân viên của đơn vị, số ít còn lại chỉ bán vào thứ Bảy tại 4 cửa hàng. “Tới thời điểm này chúng tôi có thể cung cấp ra thị trường khoảng 30 con một ngày. Tuy nhiên, vì số lượng cửa hàng phân phối còn thấp nên chưa triển khai rộng”, đại diện CP nói và cho biết thêm, đây là giống heo có chất lượng cao, thịt thơm, mềm, không bị khô như các loại heo khác. Tuy nhiên, thịt heo này có tỉ lệ mỡ nhiều hơn các giống heo siêu nạc đang có trên thị trường.
Mặc dù các doanh nghiệp đều nhận thấy nhu cầu của thị trường và lên kế hoạch đẩy mạnh thịt heo sạch, tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung cũng như kiểm soát hàng chặt chẽ bán ra thị trường là một vấn đề mà chưa một doanh nghiệp nào giải quyết thấu đáo được.
Đối với CP, đơn vị này cho rằng họ chỉ có thể kiểm soát được sản phẩm từ khi nuôi đến khi xuất chuồng. Còn sau khi bán cho thương lái thì việc kiểm soát heo có bị vỗ béo bằng chất cấm không thì công ty không thể làm nổi. Còn tại Vissan, mặc dù sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, nhưng do nguồn hàng cung ứng ra thị trường không đủ, nên những lúc thiếu, doanh nghiệp vẫn phải mua thêm từ nhà nông, do đó mức độ đồng bộ chung chưa cao.
Doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh thịt heo sạch. Ảnh: Thi Hà.
|