Người ta vẫn ví von đàn ông giống như tay thợ săn, nói lên bản chất của đàn ông là thích tự do và luôn muốn khám phá, kiếm tìm cái mới. Thực tế, nhiều người đàn ông không muốn bị ràng buộc bởi gia đình.
Với những người này, nếu vì một lý do nào đó, trong hành trình của mình, họ phải gắn mình với hai chữ “hôn nhân” thì đó cũng là lúc họ rơi vào mâu thuẫn và trở thành những người đàn ông “không của gia đình”. Lúc đó từ vai trò là trụ cột trong gia đình, người đàn ông bỗng trở thành … “cụ chột”.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Khi gia đình là quán trọ…
Nhiều nghiên cứu cho thấy, cuộc sống càng hiện đại, mối quan hệ giao tiếp càng rộng và quan niệm sống phóng khoáng chính là những rào cản của người đàn ông trong hành trình tiến tới hôn nhân. Do đó, những mẫu đàn ông phóng khoáng, không muốn ràng buộc bởi gia đình cũng ngày càng nhiều. Nhưng không phải ai trong số họ cũng có thể thoát khỏi sự ràng buộc của hôn nhân. Khi ấy, bi kịch sẽ xảy ra và người phải chịu thiệt thòi nhất không ai khác chính là những người vợ.
Nhiều người đàn ông cảm thấy bị đe dọa và vô cùng sợ hãi khi nhắc đến hôn nhân vì bản thân họ không muốn bị ràng buộc cả cuộc đời với bất kỳ ai. Họ càng không muốn cuộc sống riêng của mình sau hôn nhân lại luôn bị phụ nữ quản lý và hối thúc. Họ sợ hôn nhân làm thay đổi cái “tôi” của mình. Bản tính muôn thủơ của đàn ông là yêu thích tự do và thực hiện những sở thích riêng của mình.
Nếu kết hôn, họ phải thay đổi phần nào cách sống và nghĩ đến gia đình với trách nhiệm nhiều hơn. Mặt khác, đàn ông hiện đại ngày nay ngại những áp lực từ cuộc sống gia đình, tín ngưỡng, những lề thói và những giới hạn đặt ra của hai chữ Hôn Nhân. Đó cũng là lý do mà nhiều người đàn ông khi phải kết hôn bất đắc dĩ hoặc chưa thực sự sẵn sàng kết hôn thường không thể chịu gò bó trong những giới hạn đó.
Trong hoàn cảnh ấy, họ thường chấp nhận cuộc hôn nhân một cách miễn cưỡng và gia đình bỗng nhiên trở thành một sợi dây vô hình ràng buộc họ. Mọi trách nhiệm của người chồng, người cha bị rũ bỏ và họ trở thành một cái bóng trong chính gia đình của mình. Ngôi nhà mặc nhiên chỉ là chốn đi về, và gánh nặng lại dồn hết lên vai những người phụ nữ.
Khác với mẫu người đàn ông gia trưởng, chuyên quyền, đàn ông kiểu này thường phó mặc mọi trách nhiệm cho người vợ và trở nên “vô can” trong bất cứ công việc lớn nhỏ của gia đình.
Vai trò “trụ cột gia đình” của người đàn ông trở nên mờ nhạt và họ thực chất cũng không coi trọng chuyện đó. Điều này xuất phát từ quan niệm sống phóng túng, không quan tâm đến gia đình, hay nói cách khác là họ không coi trọng vai trò của gia đình. Những mối quan tâm của họ thường nằm ngoài những giới hạn của hai chữ gia đình. Đó có thể là niềm đam mê với công viêc, những thú vui, những sở thích cá nhân. Những mẫu người đàn ông này thường mang nặng cái “tôi” và phần nào có thói ích kỷ, không biết hy sinh.
…Và những câu chuyện buồn
Bước sang tuổi 30, Duy - giám đốc một doanh nghiệp lớn được nhiều người cho là may mắn khi công việc kinh doanh thuận lợi như diều gặp gió và có một gia đình nhỏ với cậu con trai kháu khỉnh. Nhiều cô gái ở công ty tỏ ra ghen tỵ ra mặt với vợ anh khi cô có một người chồng vừa đẹp trai, vừa có tài.
Nhưng có ai biết rằng, hai mẹ con cô vẫn thường xuyên phải ăn cơm một mình và hàng đêm cô vẫn phải vò võ ôm gối chờ chồng. Ban đầu, cô cứ nghĩ chồng bận đi tiếp khách, phải ở lại trực hay vì một lý do công việc nào đó.
Nhưng sự việc cứ thế tiếp diễn cho đến khi cô nhận ra rằng đó chỉ là những cái cớ. Duy luôn tìm mọi cách để không phải trở về nhà. Anh sợ nghe tiếng trẻ con khóc, sợ cảm giác tù túng và bị trói buộc khi bước chân về nhà.
Có gia đình, nhưng Duy vẫn làm đầy đủ những gì mình "thích": Đi nhậu với bạn bè, tham gia câu lạc bộ tennis, hay thỉnh thoảng là những chuyến “đi bụi” đến một nơi thật xa để tìm cảm giác lạ.
Vợ anh lâu dần cũng quen với sự vắng mặt của chồng và một mình cáng đáng mọi việc, từ chăm sóc con cái tới những việc lớn hơn như đối nội, đối ngoại trong gia đình. Sự liên lạc giữa vợ chồng anh do đó cũng thường chỉ thông qua chiếc điện thoại. Mỗi khi vợ anh muốn bàn bạc với anh việc gì thì Duy đều nói tùy ý quyết định.
Là người yêu thích tự do, Nam chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ kết hôn. Anh tôn thờ cuộc sống độc thân và sợ cảm giác phải chăm lo cho gia đình. Sống tự do, anh có thể làm mọi điều mình muốn, gặp gỡ bất cứ cô gái nào mà không bị ai cấm đoán. Với Nam, lấy vợ chẳng khác nào tự dưng đeo gông vào cổ.
Nhưng là con trai duy nhất trong gia đình, Nam không thể không lấy vợ để đáp ứng niềm mong mỏi của mẹ là có cháu bế bồng. Thế là Nam lấy vợ mà chưa hề có trong đầu khái niệm về một gia đình với những nghĩa vụ và trách nhiệm của một người chồng, người cha.
Cuộc sống gia đình khiến anh cảm thấy tù túng, nhàm chán. Đến tháng phải nộp lương, đi đâu cũng bị vợ xăm xoi, dò xét. Vậy là anh lại tìm niềm vui bên những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. Vợ gọi điện bảo về thì anh khó chịu, có khi còn cáu gắt. Cứ thế, Nam vẫn sống một cuộc sống ích kỷ cho riêng mình mà quên đi rằng mình còn có một gia đình.
Đến bao giờ những người thợ săn chịu gác cung kiếm? Có một điều chắc chắn rằng, trên hành trình của mình, sẽ đến lúc họ thấy mệt mỏi và nhận ra rằng gia đình là nơi bình yên nhất. Nhưng lúc ấy, có lẽ sẽ là quá muộn để xóa đi một khoảng trống vô hình - khoảng trống trong lòng những người vợ, người mẹ mà hình ảnh của một người chồng, người cha từ lâu đã quá nhạt nhòa…