Gần một năm đàm phán trong căng thẳng cùng với những tranh cãi kéo dài giữa đại diện của phe Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội, việc đạt được một thỏa thuận mang tính tạm thời nhằm tránh "vách đá tài khóa" được coi là một thắng lợi. Các thị trường chứng khoán tại châu Á, trong đó có Nhật Bản đã hướng đến mốc cao nhất kể từ tháng 8/2011 khi Lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự thảo ngân sách tránh “vách đá tài khóa”. Nhà đầu tư tại Anh, Italia và nhiều nước châu Âu cũng thở phào nhẹ nhõm trước việc Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận trên.
Tuy nhiên, trái với sự hứng khởi của thị trường, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dự luật tránh "vách đá tài khóa" chỉ là sự khởi đầu của một chiến mới, cam go hơn, khốc liệt hơn và hậu quả gây ra có thể nghiêm trọng hơn. Trước hết, dự luật sẽ khiến ngân sách liên bang nước này thâm hụt thêm gần 4.000 tỷ USD trong thập kỷ tới khi tiếp tục áp mức thuế thấp đối với phần lớn người dân Mỹ. Cuộc chiến về cắt giảm chi tiêu giữa Nhà Trắng và Quốc hội sẽ tiếp diễn với thời hạn chót để đạt thỏa thuận là vào cuối tháng 2. Song song đó là những tranh cãi về trần nợ công 16.000 tỷ USD giữa Tổng thống và Quốc hội khi ông Obama khẳng định sẽ không mặc cả với các Nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa để đổi lấy việc nâng trần vay mượn.
Về thực chất, thỏa thuận giữa Nhà Trắng và Quốc hội vào giờ chót trước khi nền kinh tế Mỹ va vào "vách đá tài khóa" chỉ là phần nhỏ trong “gói mặc cả lớn hơn” giữa các chính trị gia thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Thâm hụt ngân sách - vấn đề gốc rễ đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn đó và tiếp tục là chủ đề gây ra nhiều tranh cãi, sóng gió trên chính trường nước Mỹ. Quan trọng hơn, trước khi phải đối mặt với "vách đá tài khóa", Mỹ cần phải vượt qua quá trình đổ dốc tài chính với những nguy cơ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào một giai đoạn suy thoái.