Khi VFF tuyên bố sẽ tách hai BHL ĐTQG và ĐT U23 người ta đã nghĩ ngay đến việc, HLV Mai Đức Chung sẽ được trở về vị trí cũ. Thậm chí, nhà cầm quân này cũng xác định rằng mình sẽ đảm đương ghế nóng nên đã hoàn thành khóa học HLV bằng A của AFC cho "đủ tiêu chí" huấn luyện. Giới chuyên môn cũng khẳng định, không ai xứng hơn ông Chung dẫn dắt ĐTQG. Bởi lẽ, nhà cầm quân này có nhiều kinh nghiệm trận mạc và khá thành công với lối chơi phòng ngự phản công vốn rất hợp với thế hệ cầu thủ hiện nay. Bằng chứng là dưới sự dẫn dắt của ông Chung "xe ca", Thanh Hóa đang ở Top 3 V - League. Ngoài ra, phải nhấn mạnh rằng, ĐTQG chỉ đá có 3 trận nên người ta không thể mạo hiểm với vị trí HLV trưởng. Trong khi đó, xét về danh tiếng và bản lĩnh trận mạc, ông Mai Đức Chung được đánh giá cao hơn vị tân HLV trưởng ĐTQG Nguyễn Văn Sỹ. Suốt một thời gian dài, ĐTQG và U23 quốc gia do một tay ông Chung dẫn dắt. Vậy mà, VFF đã quyết định lựa chọn một HLV trẻ tuổi hơn và cũng ít danh tiếng hơn ông Mai Đức Chung. Cái sự mạo hiểm ở đây được hiểu là VFF muốn cách mạng trên băng ghế HLV. Họ muốn trao cơ hội cho những HLV trẻ vốn thích ứng nhanh hơn với kiến thức bóng đá mới. VFF muốn các nhà cầm quân phải đủ khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và luôn có thiên hướng tìm kiếm và cách tân trong phương pháp huấn luyện. Thêm nữa, VFF muốn có được sự thống nhất về triết lý bóng đá giữa ĐTQG và U23 quốc gia. Với tư cách là trợ lý của HLV Hoàng Văn Phúc ở đội U23, ông Sỹ dễ dàng xây dựng lối chơi ở ĐTQG. Và khi ấy, hai đội tuyển sẽ có chung một triết lý bóng đá. Có thể, con đường mà bóng đá Việt Nam đang đi sẽ có nhiều mạo hiểm. Thế nhưng, nó cũng là cần thiết, bởi đã đến lúc những vị thuyền trưởng của ĐTQG phải thực sự hội nhập với thế giới bên ngoài. Rằng, họ dẫn dắt đội bóng bằng kiến thức bóng đá hiện đại chứ không phải là kinh nghiệm trong quá khứ.