Thời điểm thì “đã chín,” nhưng tái cơ cấu như thế nào để bảo đảm thị trường phát triển bền vững là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Khốc liệt
Vài năm qua, thị trường viễn thông Việt Nam đã bước vào giai đoạn bão hòa với việc số lượng thuê bao lớn hơn dân số. Theo ông Phạm Hồng Hải (Cục trưởng Cục Viễn thông), số lượng thuê bao di động phát sinh lưu lượng tính đến tháng 11/2013 là 120 triệu (trong khi dân số của Việt Nam là 90 triệu). Chính lượng thuê bao vượt quá số lượng dân khiến các doanh nghiệp bước vào một cuộc cạnh tranh gay gắt bởi nhiệm vụ của họ không chỉ là hút thêm thuê bao, mà còn phải giữ chân “Thượng đế.”
Tái cơ cấu thị trường cần một cơ quan quản lý độc lập. (Ảnh minh họa: T.H/Vietnam+)
|
Trong bối cảnh ấy, một loạt những doanh nghiệp kém thế hơn đã sớm tỏ ra “đuối sức.” Bằng chứng là EVN Telecom sau một thời gian “quẫy đạp” đã phải sáp nhập vào Viettel năm 2011. Tới năm 2012, Sfone cũng rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí còn bị nhân viên ráo riết đòi nợ lương, đến nay đang trong tình trạng tê liệt và có vẻ như Gtel hiện cũng đang gặp khó trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, thời gian qua cũng chứng kiến một số doanh nghiệp bị Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định thu hồi giấy phép cung cấp mạng viễn thông ảo như Đông Dương Telecom, VTC.
Và mới đây, 4 đơn vị là Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Công nghệ Somonet Việt Nam, Công ty Cổ phần hệ thống Sao Việt, Công ty Cổ phần phát triển phần mềm Chiến Thắng và Công ty Cổ phần viễn thông VIT Việt Nam cũng bị thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông. Lý do mà các đơn vị này gặp phải là đã quá thời gian quy định kể từ khi được cấp phép mà chưa triển khai trên thực tế.
Điều này là minh chứng rất rõ câu chuyện mảnh đất viễn thông của Việt Nam không còn màu mỡ như trước, khiến các doanh nghiệp không còn hào hứng triển khai kế hoạch đầu tư dù đã xin được “chìa khóa” để mở cánh cửa thị trường.
Hiện nay, đề án tái cơ cấu Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn đang được hoàn thiện và trình Chính phủ. Bởi thế, Cục trưởng Phạm Hồng Hải cho rằng, trên cơ sở của việc tái cơ cấu tập đoàn này, cần tiến hành tái cơ cấu toàn bộ thị trường viễn thông để bảo đảm thị trường phát triển bền vững.
Trên thực tế, câu chuyện thị trường viễn thông xuất hiện yếu tố không bền vững đã được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập tới từ lâu. Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đưa ra yêu cầu cơ cấu lại thị trường viễn thông trên cơ sở tổ chức lại các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả nhằm hình thành 3-4 tập đoàn, tổng công ty mạnh.
Chỉ nên độc quyền mảng an ninh quốc phòng?
Trong một cuộc tọa đàm trước đây, tiến sỹ Mai Liêm Trực (nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính-Viễn thông) từng thẳng thắn đưa ra quan điểm, cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông giống như anh em trong một gia đình đã được cha mẹ cho ra ở riêng nên vẫn chưa có cạnh tranh thực sự. Bằng chứng là phần lớn các doanh nghiệp viễn thông chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, hoặc cổ phần nhà nước chi phối.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: VNP)
|
Bởi vậy, ông Trực cho rằng chỉ cần một doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực này và có thêm doanh nghiệp viễn thông nước ngoài tham gia để thị trường thực sự cạnh tranh.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, về nguyên tắc, quá trình tái cơ cấu thị trường không nên tạo ra một doanh nghiệp quá to không thể bị đổ vỡ và khống chế thị trường. Ngoài ra, một thị trường dịch vụ thì cần phải đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia, nên có yếu tố doanh nghiệp nước ngoài để cạnh tranh lành mạnh cũng như thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới phục vụ người dùng.
“Tôi cho rằng trong lĩnh vực viễn thông, Nhà nước chỉ nên độc quyền mảng an ninh quốc phòng. Còn các dịch vụ phục vụ người dân thì nên để các doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp nước ngoài tham gia,” ông Phong khuyến nghị.
Đồng tình quan điểm để doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường, song ông Phạm Tiến Thịnh (nguyên Giám đốc điều hành S-Telecom) cho biết việc tái cấu trúc thị trường viễn thông đáng lý ra phải làm cách đây hai năm (khi EVN Telecom sáp nhập Viettel).
Theo vị chuyên gia đang đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc điều hành cổng tìm kiếm thông tin wada.vn này, việc tái cấu trúc sớm sẽ tạo môi trường lành mạnh để các nhà mạng cùng phát triển. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc sẽ dẫn đến có ít doanh nghiệp trên một sân chơi và điều này dễ tạo ra sự “bắt tay” nhau để khống chế thị trường. Bởi vậy, đi cùng với tái cấu trúc thị trường viễn thông cần một đơn vị quản lý độc lập.
Ông Thịnh viện dẫn, theo kinh nghiệm của Indonesia thì đơn vị quản lý độc lập này sẽ gồm thành phần là đại diện của người tiêu dùng, các nhà mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan. Từ đó, tiếng nói của người tiêu dùng ngay lập tức đến được với các đơn vị quản lý, nhà mạng để giúp họ có những chính sách điều chỉnh làm hài hòa lợi ích giữa các bên.
“Tôi cho rằng, nếu Việt Nam có đơn vị quản lý độc lập trên thì chắc chắn đợt tăng cước 3G của các nhà mạng vừa qua sẽ không gây sốc. Đồng ý là tăng để bù lỗ, nhưng lộ trình tăng sẽ phải từ từ chứ không thể tăng đột biến như vậy,” ông Thịnh chia sẻ.
Hiện chưa rõ kịch bản của tái cơ cấu thị trường viễn thông sẽ như thế nào, song rõ ràng những ý kiến của giới chuyên gia đáng để cơ quan quản lý xem xét trước khi đưa ra một kịch bản thực sự phù hợp để thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.