Kết quả khám sức khỏe định kỳ cho khoảng 15 triệu lượt NLĐ giai đoạn 2006 - 2016 của Bộ Y tế cho thấy: Trong giai đoạn 2006 - 2010 số lao động có sức khỏe loại 1 chiếm 36,26%, loại 2 là 32,44%, loại 3 là 22,49%, loại 4 là 6,86% và loại 5 là 1,85%. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2016, số lao động có sức khỏe loại 1 chỉ còn 19,5%, loại 2 là 43,6%; loại 3, 4, 5 lại tăng lên, lần lượt là 25,9%, 8,7% và 2,3%. Số ngày nghỉ ốm của công nhân lao động trung bình năm 2017 là 2,75 ngày, tăng hơn 3 lần so với giai đoạn 2012 - 2016, đã cho thấy, thời gian làm việc kéo dài khiến sức khỏe của NLĐ giảm đi nhanh chóng. "Tôi đã đi một số nước Đông Âu và được biết thời gian làm việc trong ngày của họ rất ít nhưng NSLĐ cực cao. Họ làm việc 6 tiếng ở công ty là đúng 6 tiếng, chỉ tập trung vào công việc. Với đặc tính của người Việt Nam, quy định thời gian làm việc 8 tiếng 1 ngày nhưng chưa chắc NLĐ đã thực hiện đủ bởi vẫn có tình trạng đi cà phê, đi chơi trong giờ làm việc dẫn đến NSLĐ không cao. Vì thế, mọi người cứ nói 48 tiếng làm việc 1 tuần nhưng bản chất có làm đúng 48 giờ không lại là chuyện khác. Nếu quy định 40 giờ 1 tuần mà làm thực chất thì hơn 48 giờ rất nhiều. Theo tôi, bao nhiêu tiếng không quan trọng mà vấn đề là làm việc như thế nào." - Ông Trần Tiến Đạt - Giám đốc kinh doanh Công ty CP Times PRo Trước mắt, vẫn duy trì 48 giờ làm việc "Giảm giờ làm, về đạo lý là đúng và phù hợp với xu hướng nhưng lại không thực tế với hiện tại. Đối với Việt Nam, giảm giờ làm việc cần phải có lộ trình. Theo tôi, trước mắt vẫn duy trì 48 giờ làm việc 1 tuần. Khu vực hành chính công và DN có tính chất công việc hoàn toàn khác nhau nên không thể nói một bên làm việc 40 giờ/tuần, 1 bên 48 giờ/tuần là không công bằng. Khi NSLĐ tăng cao, DN áp dụng công nghệ vào sản xuất đi liền với tiền lương của NLĐ tăng đảm bảo được cuộc sống, lúc đó DN không cần kéo dài thời gian làm việc. Hiện nay cả DN và người lao động đều có nhu cầu làm thêm giờ nên chưa thể giảm giờ làm chuẩn xuống 44 giờ/tuần. Trong trường hợp giảm giờ làm xuống 44 giờ, DN phải tuyển thêm lao động nên sẽ phải tăng chi phí trả lương, đào tạo, đóng BHXH và các phụ phí khác." - TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH Giữ nguyên 48 giờ sẽ kìm hãm sản xuất "Từ lâu nay, tôi luôn nhất quán quan điểm cần phải giảm giờ làm việc tiêu chuẩn cho NLĐ. Kinh tế đất nước phát triển, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, ký kết các hiệp định thương mại thì phải từng bước tiệm cận quốc tế trong quy định giảm giờ làm việc tiêu chuẩn. Nếu cứ giữ nguyên quy định 48 giờ thì việc hội nhập không bảo đảm. Và, không thực hiện được đường lối của Đảng là phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Về lâu dài nó sẽ làm cho nền kinh tế không phát triển vì chỉ dựa vào nguồn nhân lực, cường độ lao động. Điều này còn ảnh hưởng tới quan hệ lao động giữa NLĐ và chủ sử dụng, thậm chí xảy ra tranh chấp lao động. Khi đó nó lại kìm hãm sản xuất chứ không phải tạo động lực cho phát triển sản xuất." - PGS.TS Dương Văn Sao – nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam DN thực hiện 44 giờ làm việc phát triển rất tốt "Chúng tôi đi nghiên cứu các đơn vị giảm giờ làm việc xuống còn 44 giờ/tuần và một số công ty khác làm việc 40 giờ/tuần cho thấy tốc độ phát triển, doanh thu của DN và thu nhập của NLĐ rất tốt, Không những thế, NLĐ gắn bó với DN, DN phát triển bền vững. Còn nếu vẫn duy trì chế độ 48 giờ làm việc 1 tuần nhưng không quan tâm tới NLĐ họ sẽ nhảy việc, bỏ việc, DN khó tuyển dụng lao động ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh." - Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam |
Thời giờ làm việc tiêu chuẩn: Người lao động đang bị đối xử không công bằng
Kinhtedothi - Tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh phải bằng đầu tư công nghệ, tổ chức quản lý lao động. Nếu tăng hiệu quả của DN bằng kéo dài thời gian, cường độ lao động, trình độ phát triển của đất nước sẽ ngày càng tụt hậu và cách xa các quốc gia khác.
Giảm giờ làm sẽ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, khi góp ý cho dự án Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi, vấn đề điều chỉnh giảm giờ làm việc tiêu chuẩn trong tuần đã nhận được nhiều ý kiến đa chiều của các đại biểu Quốc hội. Hiện nay, khu vực hành chính công, công chức, viên chức thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần; khu vực DN, người lao động (NLĐ) vẫn duy trì làm việc 48 giờ/tuần.
Cùng là NLĐ nhưng có hai chế độ làm việc khác nhau nên nhiều đại biểu đề xuất giảm giờ làm việc trong khu vực DN từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 hoặc 40 giờ/tuần. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không ít ý kiến đề nghị duy trì 48 giờ làm việc như hiện nay.
Thời gian làm việc tiêu chuẩn có tác động đối với NLĐ, DN, người sử dụng lao động, nhà nước. Đặc biệt, có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách nhà nước. Vì thế, theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ, đánh giá và lượng hóa rất cụ thể.
Bởi nếu giảm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, thời gian làm việc bình thường mỗi năm giảm đi 208 giờ đồng nghĩa với chi phí lao động tăng lên 17%, giá trị xuất khẩu giảm 20 tỷ USD/năm và tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 0,5%. Trong khi, Việt Nam đang nỗ lực rất lớn để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thì phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%.
Rút ngắn thời giờ làm việc bình thường sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Từ quan điểm này, đại diện cho giới chủ sử dụng lao động, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đề nghị giữ nguyên quy định tuần làm việc 48 giờ. Ông Lộc cũng nhấn mạnh, giảm giờ làm việc bình thường trong điều kiện hiện nay không mang lại lợi ích cho NLĐ, chi phí của DN tăng lên và lại bị giảm sự cạnh tranh, buộc thu hẹp sản xuất sẽ ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ.
Chuyên gia lao động Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH đồng tình duy trì thời gian làm việc ở khu vực DN 48 giờ. Theo Điều 105, BLLĐ hiện hành quy định, NLĐ làm việc một ngày không quá 8 tiếng và 1 tuần không quá 48 giờ.
Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích các DN có điều kiện rút ngắn thời gian làm việc. Bây giờ, nếu thực hiện quy định giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần sẽ đẩy cái khó lên vai người chủ sử dụng lao động, DN sẽ phải tăng thêm chi phí sản xuất. Đối với khu vực thị trường, nếu đang làm việc 6 ngày, giờ giảm xuống 5,5 ngày, NLĐ sẽ chỉ được nhận lương 5,5 ngày.
Như thế, thu nhập của NLĐ bị giảm đi đáng kể. Tăng lương, giảm giờ làm là mục tiêu chung của nhân loại. Tuy nhiên, trình độ phát triển và năng suất lao động của các quốc gia khác nhau nên không thể áp dụng số giờ làm việc giống nhau. Việc đặt vấn đề giảm giờ làm việc tiêu chuẩn trong điều kiện hiện nay là chưa thể được. Bởi gốc chính để giảm giờ làm phải dựa trên năng suất lao động (NSLĐ) và tiềm lực của cả nền kinh tế.
Không thể kéo dài giờ làm việc để cạnh tranh
Từ quan điểm không thể đặt gánh nặng tăng trưởng kinh tế lên vai NLĐ, không ít đại biểu Quốc hội đề nghị giảm số giờ làm việc tiêu chuẩn trong tuần xuống 44 hoặc 40 giờ. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm đã nhấn mạnh sức cạnh tranh của nền kinh tế không nên dựa vào chủ yếu sức lao động của NLĐ; mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định, duy trì số giờ làm việc 9 tiếng một ngày thì gia đình không có hạnh phúc. Công ước số 47 (năm 1935) đã khuyến nghị các quốc gia duy trì tuần làm việc 40 giờ và không cắt giảm quyền lợi của NLĐ.
Với tư cách bảo vệ NLĐ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị giảm thời gian làm chính thức theo lộ trình, trước mắt là 44 giờ/tuần, sau đó còn 40 giờ/tuần. Một đại diện của Tổng Liên đoàn cho rằng, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có NSLĐ. Tăng NSLĐ không phải là kéo dài thời gian làm việc.
Rất nhiều bằng chứng đã chứng minh kéo dài thời gian làm việc, NSLĐ không cao. Một nghiên cứu của Đại học Tổng hợp Cornell - Mỹ cho thấy NSLĐ sẽ giảm khi làm thêm giờ được áp dụng quá dài. Trung bình, kéo dài 10% làm thêm giờ dẫn đến giảm 2,4% NSLĐ. Trong nhiều báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy, hầu hết các quốc gia có thời gian làm việc nhiều thì NSLĐ thấp và ngược lại.
Kết quả phân tích từ các báo cáo tai nạn lao động chết người năm 2015 của Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH chỉ ra: Tỷ lệ tai nạn lao động chết người tăng dần vào cuối ca, tăng đột biến vào thời gian tăng ca. Cụ thể, số vụ tai nạn chết người xảy ra vào đầu ca chiếm 21,6%, giữa ca 21,9%, cuối ca 22,4% và trong thời gian tăng ca chiếm 34,1%. T
hời gian làm việc dài có ảnh hưởng tới sức khỏe rất lớn; đồng thời ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của NLĐ từ việc thực hiện trách nhiệm chăm sóc gia đình, con cái, thậm chí mất đi cơ hội tìm bạn đời. Đã có khá nhiều trường hợp NLĐ không có điều kiện xây dựng gia đình chỉ vì thời gian làm việc quá dài. Họ cũng chẳng còn thời gian để nâng cao trình độ, kiến thức, bồi dưỡng tay nghề, hưởng thụ văn hóa tinh thần.
Một vấn đề nữa cũng được các chuyên gia lao động đề cập tới khi tiếp tục kéo dài thời gian làm việc 48 tiếng/tuần. Tới đây, các đại biểu Quốc hội sẽ thông qua vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60, nam 62. Nếu tính trung bình, mỗi người làm việc 40 năm rồi nghỉ hưu thì NLĐ ở khu vực DN có thời gian làm việc mỗi tuần nhiều hơn công chức, viên chức 8 giờ (tương đương 1 ngày làm việc).
Như vậy, một năm NLĐ khu vực DN làm việc nhiều hơn công chức, viên chức 52 tuần, nhân với 40 năm sẽ là 2.080 ngày. Nếu trừ ngày nghỉ phép, lễ tết, NLĐ ở khu vực DN phải làm việc nhiều hơn công chức, viên chức gần tới 8 năm. Trong khi, quy định tuổi nghỉ hưu của NLĐ ở khu vực hành chính công và DN lại bằng nhau, sẽ không thể có công bằng.
Thực tế hiện nay, các quốc gia có nền kinh tế phát triển đã thực hiện mỗi tuần làm việc 44, 40 giờ, thậm chí thấp hơn. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao thứ hai trên thế giới cùng với khoảng 40 nước khác.
Trong khi hiện nay, Việt Nam đang phát triển, đã hội nhập nên không thể nằm ngoài xu hướng các nước. Giảm giờ làm việc bình thường sẽ không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, mà chính là giảm cường độ lao động, tạo điều kiện cho NLĐ có điều kiện để học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng trong xã hội.
Chắc chắn, giảm số giờ làm việc từ 48 xuống còn 44 hoặc 40 giờ/tuần sẽ gây áp lực và tác động không nhỏ tới DN. Nhưng đó là tác động trước mắt, buộc DN phải tìm cách đổi mới quản trị, công nghệ để nâng cao năng suất, bù đắp cho giảm giờ làm. Và, về lâu dài sẽ tạo ra sức cạnh tranh bền vững và giúp Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập.