Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thói quen và tâm lý đám đông

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều người nước ngoài khi mới đến Việt Nam đều thấy sợ và khó chịu với cách tham gia giao thông của chúng ta như: lái xe không tập trung, đi một tay, nghe điện thoại, không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn, coi thường biển báo, đèn tín hiệu... Một người làm được thì nhiều người học theo.

 Thiếu văn hóa do thói quen

 Một nhà xã hội học người Mỹ đã phải thốt lên rằng: Thật khó hiểu tại sao phải vượt nhanh đến quán cà phê để ngồi tán gẫu với bạn bè? Trong khi, không chịu bỏ ra đôi ba phút để đợi đèn đỏ hoặc cùng nhường nhịn nhau. Nếu không dành được phía trước, bạn nhỡ cơ hội cho tất cả công việc? Trong khi đó là một hành động rất thiếu văn hóa, một thói quen xấu có thể là nguy cơ gây TNGT. Bên cạnh đó, thói quen tùy tiện đã tồn tại cố hữu trong cách ứng xử của mỗi người dân khi tham gia giao thông, nên từ việc đội mũ bảo hiểm đến chấp hành luật pháp đều là hình thức đối phó. Vì vậy, mũ bảo hiểm "rởm" vẫn có đất "dụng võ", vượt đèn đỏ, đi ngược đường, chạy nhanh, chạy ẩu khi không có công an vẫn thường xuyên xảy ra.

Thói quen và tâm lý đám đông - Ảnh 1

Vi phạm an toàn giao thông tại cầu vượt Láng Hạ - Chùa Bộc.  Ảnh: Linh Anh

Nhiều người trong chúng ta đã từng ít nhất một lần vi phạm giao thông. Thường thì trong lần đầu sẽ phản ứng bằng cách nhìn trước, ngó sau, đầy vẻ sợ sệt, thậm chí giật mình thon thót khi bất chợt nghe thấy tiếng còi hoặc tiếng quát của ai đó. Đến lần thứ hai, đã ít sợ hơn. Lần thứ ba thì dửng dưng, chẳng hề thấy xấu hổ. Đó là vì bản thân đã "quen". Nếu bị CSGT dừng xe, thì xin xỏ, lấy lý do. Không ổn, lập tức nhấc điện thoại gọi cho "người thân". Đến nước này mà cũng không xong thì tìm cách "thủ thỉ" với nhà chức trách, "dúi" tiền để được bỏ qua. Đó cũng là "thói quen", tìm cách để thoát tội chứ không tự giác chấp hành.

Một người làm, vạn người theo

Xây dựng văn hóa giao thông không phải là tăng cường xử phạt mà phải tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật, nhắc nhở khi vi phạm, làm cho người tham gia giao thông cảm thấy "ngượng" khi vi phạm chứ không chỉ thấy bực khi "nộp phạt".

Tắc đường, người đi lên vỉa hè, người đi ngược chiều đường, vậy là ùa theo. Có người còn tặc lưỡi: "Đường đông, cảnh sát còn lo phân luồng, sức đâu mà xử phạt. Có phạt cũng chẳng đến lượt vì nhiều người cùng vi phạm". Đèn đỏ, sốt ruột, một người phóng vút qua, người thứ hai, thứ ba, và trong giây lát, tất cả đều vượt lên, khi đèn xanh vẫn chưa bật. Có người nghiêm chỉnh chấp hành, đứng lại chờ đèn thì bị mắng: "Điên à, người ta đi hết rồi còn đứng đó". Đấy là một thứ hành vi ích kỷ, thứ tâm lý đám đông nguy hiểm.

Một thực trạng khác cũng thường xuyên xảy ra khi có TNGT, người dân hiếu kỳ xúm lại xem đông. Nhưng không phải để giúp đỡ người bị nạn, mà chỉ vì tò mò. Bởi họ nghĩ, người giúp đôi khi lại bị liên lụy mất thời gian cho việc trình báo, thậm chí còn bị nghi là thủ phạm.

TS. Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ cho rằng, trong văn hoá giao thông có 3 thành tố cơ bản: Ứng xử có tình người khi tham gia giao thông; Tri thức về pháp luật giao thông hiện hành; Hiểu biết về thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tri thức về pháp luật là cơ sở, là điều kiện để cho con người có thái độ ứng xử đúng, nhưng nó chưa phải là bản chất nhất, vì có nhiều người hiểu biết pháp luật nhưng lại không chấp hành; Hiểu biết về thuần phong mỹ tục của dân tộc là nền văn hoá của mỗi con người sống trong cộng đồng; Ứng xử có tình người trong tham gia giao thông với tính tôn trọng cộng đồng, tính trật tự, tính nhường nhịn mọi người. Như vậy, văn hóa giao thông là thái độ ứng xử tôn trọng cộng đồng, có tính trật tự, nhường nhịn, trên cơ sở hiểu biết về thuần phong mỹ tục dân tộc và quy định của pháp luật giao thông hiện hành.

Trong khi đó, Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lại có một cách nhìn khác: "Trước hết, người tham gia giao thông cần coi mình là một công dân có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật giao thông với sự hiểu biết, tự nguyện và nghiêm túc. Để có được điều này, người tham gia giao thông phải tìm hiểu những quy định của pháp luật giao thông, coi việc tôn trọng các luật như là một biểu hiện của nhân cách, của lối sống và là một thói quen trong sinh hoạt cộng đồng, không chỉ tự mình thực hiện, mà phải nhắc nhở, giúp đỡ mọi người cùng thực hiện. Cần phải thấy các vi phạm về Luật Giao thông là một biểu hiện thiếu văn hoá, thiếu kiến thức và phải tự cảm thấy "xấu hổ" về hành vi này.