Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông điệp sau chỉ số

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong báo cáo mới được công bố về phát triển con người trong các nước thành viên thể hiện qua Chỉ số phát triển con người (HDI), LHQ đã không chỉ công bố một bảng xếp hạng thuần tuý mà còn phác hoạ ra được bức tranh chung màu sắc không thuần nhất về phát triển của cả các xã hội ở các quốc gia và khu vực lãnh thổ trên trái đất.

Mọi sự so sánh chỉ có tác dụng tương đối và ngay cả những tiêu chí được LHQ dùng để tính ra HDI cũng vậy. HDI được sử dụng từ 20 năm nay để đánh giá tổng thể hơn về sự phát triển ở các quốc gia và khu vực (theo báo cáo, HDI năm 2011 của Việt Nam vẫn giữ vị trí 128/187 nước và vùng lãnh thổ). Nó lưu ý đến không chỉ thuần tuý có mỗi sự phát triển kinh tế như trước đó, mà còn thêm cả nhiều khía cạnh khác nữa như y tế, giáo dục, văn hoá và môi trường sinh thái. Cách tiếp cận này đúng đắn và hợp lý hơn bởi phải xuất phát từ chất lượng cuộc sống của con người thì mới có thể đánh giá chính xác tác dụng của phát triển kinh tế và xã hội.

Thông điệp đầu tiên có thể đọc thấy ở phía sau xếp hạng chỉ số HDI của LHQ là tính tương đối của con số. Không thể chỉ số hoá được sự phát triển ở các nước và khu vực. Chỉ cần lưu ý thêm một nhân tố thì sẽ có ngay bảng xếp hạng mới. Qua đó có thể thấy là việc duy trì thứ bậc xếp hạng đã có được trong bảng xếp hạng này rất khó khăn và việc cải thiện được vị trí trong đó đều chỉ có ý nghĩa nhất thời nếu như  phát triển vẫn chỉ đơn thuần là phát triển mà không phải là phát triển bền vững.

Tính bền vững của phát triển là thông điệp tiếp theo của chỉ số này. Phát triển thôi chưa thể đủ mà phải phát triển bền vững thì mới có thể thực sự đưa lại chất lượng cuộc sống cao hơn cho con người, thì mới ngăn ngừa được những đột biến với tác động tiêu cực tới cuộc sống của con người như khủng hoảng kinh tế và tài chính hay thất nghiệp và bất cập trong giáo dục và đào tạo, môi trường sinh thái xuống cấp hay mất an ninh và ổn định.

Một thông điệp nữa sau chỉ số HDI năm nay của LHQ là tính công bằng. Khoảng cách giữa giàu và nghèo trên thế giới vẫn ngày càng doãng ra thêm. Tính công bằng xã hội này đã trở thành một tiêu chí cho tính bền vững trong phát triển. Ngay chính trong thời gian qua, vì phát triển không bền vững mà nhiều thành viên EU bị khủng hoảng làm cho khốn đốn và vì không có công bằng trong phát triển mà đã hình thành làn sóng và phong trào biểu tình đấu tranh khởi nguồn từ hình thức "Hãy chiếm Phố Wall" ở Mỹ. Bảng xếp hạng HDI đã đáng để suy ngẫm, những thông điệp sau đó còn hơn thế.