Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông tin thêm về chuyện tăng vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần xây lắp điện lực 1

Đức Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tăng vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xây lắp Điện lực 1 (EC1 - tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp điện, thuộc Công ty Điện lực 1, nay là Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc- EVNNPC) đang làm nóng dư luận bởi nó có nguy cơ làm “hàng nghìn mét vuông đất ven hồ Tây bị bốc hơi ”.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc cho rằng, EC1 được cổ phần hóa (CPH) từ năm 2005 và không thuộc diện doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối. Việc tăng vốn điều lệ tại EC1 không làm mất vốn và cũng không làm thất thoát đất đang đi thuê, trái lại đã giúp doanh nghiệp bảo toàn vốn. Vị lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc cũng chia sẻ một số thông tin liên quan tới nội dung này:
Thực trạng sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính

Từ khi được hình thành từ CPH năm 2005, EC1 có vốn điều lệ là 8 tỷ đồng, tương ứng 800.000 cổ phần, trong đó cổ phần nhà nước - Công ty Điện lực 1, nay là Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc - EVNNPC là 233.704 cổ phần, tương ứng 29,21%, các cổ đông cá nhân khác chiếm 70,79%. Đến năm 2012, Công đoàn EVNNPC nhận chuyển nhượng từ một số cổ đông cá nhân 152.836 cổ phần và là cổ đông nắm 19,1 % vốn điều lệ, các cổ đông cá nhân khác nắm giữ 413.460 cổ phần, tương ứng 51,68 % vốn điều lệ.

Từ khi CPH năm 2005, EC1 luôn trong tình trạng khó khăn vì thiếu vốn sản xuất kinh doanh, nên luôn nợ đọng tiền thuế và chịu phạt, nợ tiền thuê đất kéo dài, không được các ngân hàng cho vay vốn, theo đó không đủ việc làm và chưa đảm thu nhập cho người lao động.

Vốn bằng tiền của Công ty rất nhỏ trong tổng vốn khi CPH đã bao gồm giá trị công nợ chưa xử lý tài chính trước thời điểm CPH 5,9 tỷ đồng, do đó dù trên báo cáo tài chính hàng năm được ghi nhận có lãi (không đáng kể) nhưng thực chất EC1 luôn nằm trong tình trạng tài chính rất khó khăn, các ngân hàng không cho vay vốn sản xuất nên đơn vị không có khả năng và năng lực tham gia dự thầu các dự án đấu thầu. Đặc biệt trong năm 2015 có nhiều tháng, Ban lãnh đạo Công ty đi làm nhưng tình nguyện không hưởng lương, nhiều CBCNV phải nghỉ không lương, số còn lại hưởng 50% - 70% lương.

Tăng vốn điều lệ và nghĩa vụ của cổ đông của EVNNPC đối với EC1

Với thực trạng về vốn, tài chính, khó khăn trong sản xuất kinh doanh kéo dài nhiều năm, để Công ty ổn định sản xuất và từng bước đứng vững trong nền kinh tế thị trường nhiều cạnh tranh và biến động như hiện nay thì việc tăng vốn điều lệ của Công ty là vô cùng cấp thiết. Do đó, năm 2016, Hội đồng quản trị EC1 đã trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Công ty về phương án tăng vốn điều lệ từ 08 tỷ lên 40 tỷ đồng theo phương thức chào bán cho các cổ đông hiện hữu theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

Tại ĐHĐCĐ năm 2016, các cổ đông dự họp đã thông qua với tỷ lệ 100% tổng số cổ phần biểu quyết về việc tăng vốn điều lệ bằng hình thức chào bán cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, mỗi cổ phần đang sở hữu được mua 4 cổ phần phát hành thêm; Giá chào bán cổ phần là 10.000 đồng/cổ phần, giao và ủy quyền cho Hội đồng quản trị EC1 thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ, thông báo tới cổ đông hiện hữu và xử lý số lượng cổ phần không chào bán hết.

Quá trình thực hiện tăng vốn điều lệ EC1 cho thấy: Các cổ đông hiện hữu là những đối tượng hiểu rõ nhất về giá trị, tiềm năng của doanh nghiệp từ trước đến nay (hơn 99,9%) đã không mua cổ phần phát hành thêm, mặc dù giá phát hành chỉ bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần). Nhà đầu tư mua cổ phiếu phát hành tăng thêm là một số CBCNV của Tổng công ty có kỳ vọng vào kết quả SXKD sắp tới theo kế hoạch tại Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2016.

Hơn thế, theo Nghị định số 91/2015/NQ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ và Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, ngành nghề Xây lắp điện không phải là ngành nghề chính của EVNNPC nên sẽ thực hiện thoái vốn theo lộ trình. Để “cứu” doanh nghiệp cũng như người lao động EC1, với vai trò cổ đông, EVNNPC đã ưu tiên hỗ trợ EC1 bằng giải pháp huy động vốn từ CBCNV của Tổng công ty để tăng vốn bổ sung theo tỷ lệ tương ứng mà Tổng công ty không tham gia góp vốn. Ngày 6/5/2016, Công đoàn EVNNPC đã có Thông báo số 69/TB-CĐNPC phổ biến đến toàn thể CBCNV về đăng ký mua cổ phần trong phạm vi số vốn Tổng công ty có trách nhiệm huy động. Qua 2 đợt huy động, 100% số cổ phần phát hành thêm, tương ứng tỷ lệ của EVNNPC đã được CBCNV trong Tổng công ty mua.

Ông Phan Thế Huấn, Giám đốc EC1 cho biết: Sau khi tăng vốn điều lệ lên 40 tỷ đồng, Công ty khắc phục được tình trạng thiếu vốn SXKD, hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước, trả hết tiền thuê đất đã nợ kéo dài, có điều kiện về nguồn vốn sản xuất, giảm chi phí lãi vay ngoài rất cao. Năm 2016, EC1 có doanh thu 93,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 0,98 tỷ đồng và đã hạch toán hết khoản chi phí 3,2 tỷ đồng năm 2015 phải hạch toán treo.

Như vậy kết quả sản xuất năm 2016 EC1 đã không còn bị lỗ, các cổ đông đã có cơ hội bảo toàn vốn, theo đó EVNNPC đã bảo toàn vốn góp tại EC1. Công ty từng bước ổn định, người lao động có thu nhập tốt hơn năm 2015. Như vậy, việc tăng vốn điều lệ đã cải thiện tình hình tài chính của EC1, nhờ đó vốn của doanh nghiệp trong năm 2016 và các năm tiếp theo sẽ được bảo toàn.

Không có cơ hội để kinh doanh đất đai và xây dựng đầu tư các dự án trên diện tích đất đang sử dụng

Hiện nay, EC1 đang sử dụng 02 khu đất có từ trước khi CPH và không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi CPH Công ty. Hai khu đất này chỉ là đất đi thuê của UBND TP. Hà Nội (trong đó, 1 khu đất đã hết hạn thuê).

Khu đất tại địa chỉ số 3, An Dương với diện tích 3.350 m2 được UBND TP. Hà Nội cho EC1 thuê theo Hợp đồng có thời hạn 50 năm kể từ ngày 15/10/1993 với hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và mục đích sử dụng “tiếp tục sử dụng cùng với công trình đã xây dựng theo hiện trạng làm văn phòng làm việc của Công ty”. Khu đất này hiện được sử dụng làm trụ sở của EC1 và của một số đơn vị thuộc EVNNPC như: Ban Quản lý dự án phát triển điện lực, Công ty TNHH MTV Tư vấn điện miền Bắc...

Khu đất thứ 2 tại số 10, ngõ 32, An Dương với diện tích hơn 8.000 m2 được UBND TP. Hà Nội cho thuê theo Hợp đồng dành cho các tổ chức chưa có giấy tờ sử dụng đất hợp pháp với thời hạn 10 năm kể từ ngày 1/1/1996 và hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Trong Hợp đồng quy định rõ: Bên thuê đất chỉ được sử dụng các công trình hiện có trên đất, không được xây dựng thêm bất cứ công trình gì, không được thế chấp đất trong thời gian thuê. Đến năm 2016, khu đất này vẫn được sử dụng làm kho bãi, nhà xưởng sản xuất của EC1 và một phần làm trụ sở Văn phòng và Đội xe của EVNNPC nhưng thời hạn thuê đã hết. EC1 đã đề nghị UBND TP. Hà Nội cho phép tiếp tục thuê đất. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội có ý kiến trả lời sẽ xem xét, giải quyết hồ sơ xin thuê đất của EC1 sau khi UBND TP. Hà Nội có quyết định về dự án Sông Hồng City. Như vậy, đến nay EC1 vẫn chưa là “chủ nhân đi thuê” của mảnh đất này. Điều này minh chứng cho lo ngại việc tăng huy động vốn điều lệ của EC1 có thể sẽ là tiền đề cho sự thất thoát, “bốc hơi” 2 khu đất rộng hàng nghìn mét vuông tại số 3, phố An Dương và số 10, ngõ 32, phố An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội là vô lý và không có cơ sở./.