Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hồi đất vẫn là vấn đề “vướng” nhất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay, 17/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, dành một ngày để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 
 
 
Thu hồi đất vẫn là vấn đề “vướng” nhất - Ảnh 1

 
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có những quy định nhất quán trong đền bù khi thu hồi đất nông nghiệp.Ảnh: Linh Anh


Sau khi tiếp thu chỉnh lý từ ý kiến đóng góp của người dân, các ĐBQH, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được nhận định đã quy định rõ hơn và cụ thể hơn về quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai và trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước đối với đất đai, bổ sung một số quy định mới theo từng nội dung quản lý Nhà nước về đất đai. Những nội dung sửa đổi của Dự thảo Luật lần này là: Về trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực đất đai; về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bồi thường; về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về thu hồi đất, sở hữu toàn dân về đất đai, sử dụng đất theo mục đích... Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trước phiên thảo luận, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng, điều nhiều cử tri quan tâm hiện là những ai đại diện, sở hữu đất đai được quy định như thế nào cho đúng. Nếu Dự thảo Luật không quy định rõ những vấn đề trên thì lợi ích sở hữu, sử dụng đất đai có thể thuộc về một nhóm người. Đặc biệt, trong vấn đề thu hồi đất, đa số cử tri mong muốn Quốc hội chỉ thông qua thu hồi đất phục vụ cho các dự án vì mục đích quốc gia, quốc phòng - an ninh hay những dự án kinh tế - xã hội ở cấp quốc gia. Còn thu hồi đất cho những dự án khác thì chính quyền địa phương cần có sự thỏa thuận cụ thể với nhân dân. Tuy nhiên, khái niệm "trưng thu", "trưng mua" lại chưa được đưa vào Dự thảo Luật. Có thể lý giải rằng, nếu đưa ra mà người dân không nhất trí được giá cả đất đai, đền bù với chính quyền địa phương thì sẽ kéo dài tiến độ thực hiện dự án phục vụ cho lợi ích quốc gia. Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo cần có những quy định để các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhất quán trong đền bù khi lấy đất của người dân để phục vụ cho các dự án xây dựng.

ĐB Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) cho biết, vấn đề còn nhiều tranh cãi vẫn là thu hồi đất. "Bản thân tôi cũng thấy trên thực tế có 5 hình thức phải thu hồi đất và các dự án kinh tế - xã hội rất quan trọng. Nhưng nếu đưa vào luật, bắt buộc phải nói rõ hơn, không phải mọi dự án kinh tế - xã hội đều được áp dụng cơ chế thu hồi như các dự án quốc phòng, công cộng" - ông Thảo nói. 

ĐB Đinh Xuân Thảo cho rằng, có thể áp dụng hình thức "trưng mua" và đảm bảo theo giá thị trường. Còn một vấn đề nữa là khiếu kiện trong đền bù, mà chủ yếu là giá. Trong Dự thảo Luật có chương Tài chính đất đai, nhưng chưa đảm bảo rõ ràng, đủ mạnh để Luật thông qua có hiệu lực vì nó có thể còn phải kéo theo hàng loạt thông tư, nghị định kèm theo. Đây là điểm trong phiên thảo luận, ĐBQH cần tập trung làm rõ. "Hiện nay, có rất nhiều dự án không thực hiện được vì cứ chờ Luật sửa đổi. Quan điểm của tôi là mong muốn Quốc hội và các cơ quan soạn thảo thẩm tra nỗ lực để giải quyết những vướng mắc của Dự thảo Luật, để thông qua được trong kỳ này như dự kiến (theo chương trình Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua vào ngày 21/6) là tốt nhất" - ĐB Đinh Xuân Thảo chia sẻ.