Thu hồi về kho số 21 triệu SIM đã kích hoạt. Ảnh minh họa |
Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho hay, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng kết nối trực tiếp cơ sở dữ liệu đăng ký thông tin thuê bao với Cục Viễn thông.
Bên cạnh đó, xây dựng và áp dụng các tiêu chí ngăn chặn hoạt động nghi ngờ trên kênh phân phối như không cho kích hoạt vào ban đêm, kích hoạt tần suất lớn quá 1 thuê bao/phút, 100 thuê bao/ngày, đăng ký quá 3 thuê bao/1 số giấy tờ.
Các nhà mạng cũng triển khai công cụ nhận dạng trùng khớp ảnh chụp chân dung và ảnh giấy tờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn bộ kênh phân phối nhằm ngăn chặn việc sử dụng giấy tờ không hợp lệ, dùng ảnh thay cho việc chụp người thật…
Qua đó, hạn chế số lượng SIM kích hoạt mới trung bình hàng ngày giảm 67% so với giai đoạn trước tháng 6/2019. Theo số liệu thống kê, tháng 7/2020 tổng số thuê bao di động toàn quốc giảm 8 triệu (6%) so với tháng 6/2019 (từ 133,7 triệu xuống còn 125,7 triệu).
Từ tháng 6/2019 đến nay, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động rà soát, xử lý những SIM có dấu hiệu nghi ngờ là SIM kích hoạt sẵn còn tồn tại trên kênh phân phối. Đến nay, các nhà mạng đã xử lý như cập nhật lại thông tin, khóa 2 chiều, thu hồi về kho số hơn 21 triệu SIM.
Để không để tái diễn tình trạng bán SIM rác trên thị trường, Cục Viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp Viettel, VNPT, MobiFone đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt là dừng bán bộ hòa mạng tại các đại lý ủy quyền, dừng quyền đấu nối số thuê bao của đại lý ủy quyền kể từ 1/6/2020. Thay vào đó các doanh nghiệp sẽ tập trung việc bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao tại những điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của mình.
Viettel, Vinaphone và MobiFone đã triển khai các biện pháp kỹ thuật để chặn cuộc gọi rác kể từ ngày 1/7/2020 đến nay. Sáu công ty cổ phần gồm Viễn thông di động Vietnamobile, Viễn thông Đông Dương, Viễn thông Hà Nội, Hạ tầng CMC, Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn, Viễn thông FPT sẽ triển khai trước ngày 1/10/2020.