Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài – động lực tăng trưởng kinh tế

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và các yếu tố rủi ro trong nước, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023 là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Để đạt mục tiêu đề ra, việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài là động lực tăng trưởng.

Mục tiêu tăng trưởng gặp nhiều trở ngại

Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài là động lực tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam
Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài là động lực tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam

Các số liệu thống kê kinh tế quý I/2023 cho thấy những khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam ngày càng hiện hữu. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ 2022, giảm tới 14,17% so với quý IV/2022. Trong đó, các đầu tàu kinh tế lớn của cả nước sụt giảm tăng trưởng nghiêm trọng, như GRDP TP Hồ Chí Minh chỉ tăng trưởng 0,7%. Trong khi đó, nhiều địa phương là những trung tâm công nghiệp, xuất khẩu của cả nước có mức tăng trưởng âm Bắc Ninh giảm 11,85%, Quảng Nam (giảm 10,88%), Bà Rịa - Vũng Tàu (giảm 4,75%), Vĩnh Phúc (giảm 2,47%)… 

Ngành xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu giảm sâu ngay trong quý I. Vốn FDI đăng ký từ tháng 2/2022 đến nay liên tục tăng trưởng âm và 3 tháng đầu năm 2023 mức độ sụt giảm là 38,5%.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhận định: Mục tiêu của Việt Nam năm 2023 với tăng trưởng đạt 6,5%, lạm phát tiêu dùng bình quân 4,5% nếu không thực sự quyết liệt, linh hoạt trong điều hành sẽ rất khó.

Chỉ ra những thách thức lớn với mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi nêu trên.

Cũng có cái nhìn không mấy lạc quan về mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế Việt Nam va Lào Francois Painchaud đưa ra dự báo: Trước nhu cầu giảm sút từ các đối tác thương mại quan trọng, sự lo lắng từ khu vực tài chính, các vấn đề về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt 5,8% vào năm 2023, lạm phát cơ bản dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn trước khi dần quay trở lại mức 4%.

Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Năm 2023 là năm quan trọng với Việt Nam, là năm bản lề trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để cơ cấu lại nền kinh tế đất nước và thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021–2025. Nếu các năm 2021-2022 là giai đoạn tạo tiền đề, thì năm 2023 là thời điểm để tăng tốc.

Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Qua đó, tạo sự bứt phá cho 5 năm tiếp theo (2025-2030), trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Tại hội nghị gặp mặt nhà đầu tư nước ngoài ngày 22/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, khu vực đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.

Theo khảo sát tháng 1/2023 về môi trường kinh doanh của Eurocham, Việt Nam được đánh giá thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Vừa qua, trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới, Việt Nam đã tăng 12 bậc, đứng thứ 65/137 quốc gia. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.

Theo báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) về vốn đầu tư toàn cầu, cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) sẽ diễn ra quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn này được dự báo giảm trong năm 2023 trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau Covid-19 tăng cao. Bên cạnh đó, dòng vốn ĐTNN toàn cầu có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực: Công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch… Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút ĐTNN và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà đầu tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, để đạt được những mục tiêu nêu trên, ngay từ bây giờ, không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương mà cả các doanh nghiệp cũng cần phải hành động từ sớm, từ xa, để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới.

Trong ngắn hạn cần chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư hiện hữu; khẩn trương xử lý triệt để cho doanh nghiệp, không để khó khăn tồn đọng kéo dài; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư ngay ở cấp cơ sở. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư như. Trong dài hạn, cần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch. Tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy giải ngân mọi nguồn vốn đầu tư; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh.