Thu hút vốn FDI: Mở nút thắt để đón “đại bàng”

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng đều trong nhiều năm qua. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, vốn FDI từ đầu năm đến nay đang có xu hướng giảm, song đây là mức giảm thấp hơn nhiều so với thế giới và các nước trong khu vực.

Sản xuất phụ kiện điện tử tại Công ty TNHH Kefico Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Hải Linh

Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ. Kết quả so sánh theo tháng cũng tương tự, nếu tháng 1/2020, Việt Nam thu hút được 5,3 tỷ USD, thì sang tháng 2, chỉ thu hút được 1,14 tỷ USD, tháng 3 là 2,08 tỷ USD, tháng 4 là 3,78 tỷ USD và tháng 5 là 1,56 tỷ USD… đến tháng 8 chỉ đạt 720 triệu USD.

Tuy vậy, chia sẻ tại tọa đàm về thu hút dòng vốn FDI sáng 4/9, dẫn số liệu cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư của khối ngoại. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Đỗ Nhất Hoàng cho biết, năm 2020, mức đầu tư trên toàn cầu suy giảm 40%. 8 tháng năm 2020, vốn FDI vào Việt Nam giảm 13% so với cùng kỳ, vốn thực hiện cũng giảm hơn 5%. Ông Hoàng cho rằng so với sự sụt giảm sâu của các nước, mức giảm này vẫn chấp nhận được. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay đến từ các yếu tố bên trong của nội tại nền kinh tế và các tác động của yếu tố bên ngoài như: Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, vị trí địa lý thuận lợi. Việt Nam còn tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều cơ chế ưu đãi. Đáng chú ý, thời gian qua, việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 đưa vị thế Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn.

Dù vậy, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) TS Nguyễn Đình Cung cũng phân tích, phần lớn đầu tư đến từ các nước châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc. Không có hoặc rất ít đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ và châu Âu, xu hướng này thực tế chưa có cải thiện.

Cạnh tranh cải cách thể chế

Việt Nam hiện được đánh giá là điểm đến thu hút đầu tư khi đang thực hiện hàng loạt ưu đãi cho DN. Đơn cử, hiện chi phí đóng thuế thu nhập DN ở Việt Nam khoảng 20% - thuộc nhóm thấp nhất Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Ngoài ra, các công ty hoạt động trong khu công nghiệp cũng được hưởng nhiều ưu đãi như: Miễn thị thực, miễn thuế 2 - 4 năm, giảm thuế 3 - 15 năm và miễn thuế nhập khẩu...

Tuy nhiên, trong thế “giằng co” thu hút FDI, nếu Việt Nam muốn thu hút các “đại bàng” hay “chim sẻ” thì không thể chỉ ngồi chờ, mà phải nhanh chóng có hành động và có chính sách quyết liệt hơn. Ở thời điểm hiện nay, sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu có thể là những điểm yếu chí mạng khiến Việt Nam không dễ trở thành “công xưởng thế giới” như kỳ vọng. Thậm chí, nếu thiếu chính sách tốt, thì việc giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu cũng là một thách thức không nhỏ. "Với những nhà đầu tư chất lượng cao, họ muốn chính sách phải ổn định, cụ thể, dự đoán được và không phát sinh chi phí phi chính thức" - TS Nguyễn Đình Cung nói và nhấn mạnh yếu tố thể chế, môi trường đầu tư cần tiếp tục thay đổi.

Một số giải pháp mới Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ đang triển khai là: Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như quỹ đất sạch, nguồn cung cấp điện, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính… Xây dựng các gói ưu đãi đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, tạo điều kiện cho DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị hoặc đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. Theo lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, cùng với việc thành lập tổ công tác đặc biệt, nhiều chính sách đang được chuẩn bị sẵn sàng để đón dòng vốn FDI chất lượng cao.

Kể từ khi Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt về thu hút vốn FDI, đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ, các dự án đúng với mục tiêu đặt ra. Tổ công tác đang đàm phán với nhiều tập đoàn công nghệ về các dự án… có quy mô vốn từ 500 triệu đến cả tỷ đô la Mỹ. Bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến, online để cập nhật thông tin về các chính sách mới, trả lời những mối băn khoăn của nhà đầu tư.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng