Các chuyên gia dịch tễ lo ngại, dịch sởi có thể bùng phát trong năm nay, đặc biệt với trẻ dưới 15 tuổi và dưới 9 tháng tuổi.
|
Tiêm phòng cho trẻ tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, dù các ca bệnh mới chỉ xuất hiện rải rác và vẫn trong tầm kiểm soát nhưng không thể chủ quan. Chu kỳ dịch sởi đã rút ngắn lại, khoảng 4 - 5 năm/lần (trước đây là 9 - 10 năm/lần). Hơn nữa, cách đây hơn 4 năm, vụ dịch sởi năm 2014 bắt đầu từ những ca mắc lẻ tẻ, sau đó đã bùng phát mạnh khiến hơn 100 trẻ tử vong. “Yếu tố thuận lợi cho việc bùng phát trở lại của bệnh sởi và nhiều bệnh khác còn xuất phát từ “khoảng trống” tiêm chủng trong nhiều năm qua. Vì vậy, Hà Nội đã tăng tần suất tiêm chủng tại các trạm y tế từ 1 lần/tháng lên 4 lần/tháng, trải đều trong các tuần, phòng trường hợp trẻ đến lịch tiêm nhưng phải hoãn vì ốm thì sẽ được tiêm bổ sung ngay trong tuần sau” - TS Cảm cho biết.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, qua điều tra dịch tễ, trong số các trường hợp mắc sởi có 54 ca mắc (chiếm 38,3%) ở độ tuổi dưới 9 tháng tuổi, chưa đến độ tuổi tiêm chủng, nhiều trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến dịch có thể bùng phát bởi tỷ lệ cộng đồng có miễn dịch với căn bệnh này còn chưa cao nên nguồn lây bệnh cho trẻ có thể từ chính ông bà, bố mẹ là những người tiếp xúc hàng ngày với trẻ.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị chức năng đánh giá xem lại miễn dịch của cộng đồng với bệnh sởi, đưa ra khuyến cáo tiêm vaccine cho người lớn, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đặc biệt, Bộ Y tế đang hoàn tất những bước thử nghiệm cuối cùng, để đẩy sớm tuổi tiêm vaccine ở trẻ em từ 9 tháng tuổi xuống 6 tháng tuổi.
Cũng theo PGS.TS Dương, trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7 - 21 ngày, sau đó có thể có đầy đủ các triệu chứng như sốt cao trên 39°C, viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, chảy nước mắt, mũi, ho, ban mọc theo thứ tự từ đầu, mặt, cổ đến lưng, cánh tay, bụng, mông, đùi, chân. Khi trẻ có các dấu hiệu sốt cao liên tục khó hạ, khó thở, thở nhanh, mệt mỏi, không ăn uống được, lơ mơ, phát ban toàn thân mà vẫn sốt… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị.