Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu phí khí thải: Hạn chế phương tiện giao thông cơ giới

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, nghiên cứu đề xuất thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khí thải. Nhiều chuyên gia cho rằng, phản ứng đó là bình thường, hơn nữa còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của xã hội đến những chính sách về thu và sử dụng các loại thuế, phí.

 Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Mới chỉ là đề xuất

Phía Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đã lý giải, xuất phát từ kiến nghị của một số địa phương, Bộ này mới chỉ đề nghị các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất thu phí BVMT đối với khí thải. Mặt khác, phương án thu phí sẽ còn phải gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; trình cấp có thẩm quyền xem xét. Nếu đảm bảo tính khả thi và sự ủng hộ của dư luận xã hội thì mới được ban hành thành Nghị định để thực hiện.
Bản chất của phí BVMT với khí thải chỉ là phụ thu và mức phụ thu. Ví dụ như khi cùng tham gia giao thông bằng xe máy, người sử dụng loại xe cũ, xả nhiều khí thải sẽ phải đóng phí khí thải nhiều hơn người sử dụng xe mới, xả ít khí độc hại. Điều này đảm bảo được tính công bằng trong việc thu thuế, phí môi trường.

Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Hữu Trí
Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Hữu Trí cho rằng, đề xuất này không phải mới, các nước châu Âu có từ 5 - 6 mức quy định về thu phí khí thải tùy theo độ phát thải. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc thu các loại phí BVMT đối với xăng dầu, khí thải... nhiều nước đã áp dụng. Mục đích quan trọng nhất là nhằm kìm hãm sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, hạn chế cả UTGT lẫn ô nhiễm môi trường không khí do phát thải từ xe cộ. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhìn nhận: “Về bản chất, thu phí khí thải là biện pháp kinh tế để hạn chế xe cá nhân chứ không phải công cụ tăng thu cho Nhà nước”.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng về việc lập Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”. Trước sự gia tăng mạnh mẽ của phương tiện giao thông, tình hình ô nhiễm môi trường không khí ngày càng trầm trọng, sự ra đời của Đề án là cần thiết. Đó là giải pháp vừa lâu dài, vừa cấp bách, cụ thể để tăng cường quản lý phương tiện giao thông. Nhưng hiện nay Luật Phí và lệ phí của Việt Nam chưa có quy định về loại phí nêu trên. Do đó, các cấp chức năng và một số địa phương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho nghiên cứu phương án thu phí khí thải.

Người dân vẫn mơ hồ về thuế, phí

Chuyên gia Đặng Chí Nga lý giải, hiện nhiều người dân vẫn còn rất mơ hồ về các khoản thuế, phí trong lĩnh vực môi trường. Đặc biệt là hầu như không biết khoản thu đó được sử dụng như thế nào, chi tiêu đem lại hiệu quả thiết thực gì. “Bởi vậy người dân phản ứng. Nếu Bộ Tài chính và các cấp, ngành liên quan cung cấp công khai, đầy đủ thông tin về thu chi; thể hiện được hiệu quả rõ ràng từ khoản phí đối với môi trường và công tác hạn chế phương tiện giao thông, sẽ dễ thuyết phục người dân hơn”.

Thực vậy, hiện nay nhiều người dân vẫn hiểu rằng, đã có thuế BVMT đối với xăng dầu thì không cần có thêm phí khí thải nữa. Đó là hình thức phí chồng phí, thuế chồng thuế, khiến giá cả leo thang, gây khó khăn cho đời sống xã hội. Ông Nguyễn Hữu Trí bày tỏ: “Quan điểm của Cục Đăng kiểm là đồng tình phụ thu phí BVMT đối với khí thải. Xe có chất lượng khí thải kém sẽ phải nộp thêm phí hoặc không được vào vùng lõi TP như hiện nay; đồng thời còn có thể buộc chủ xe phải nâng cấp phương tiện”. Có thể thấy, bên cạnh những băn khoăn về vấn đề nộp phí, nhiều người dân vẫn chưa thực sự hiểu, mục tiêu cao nhất của việc thu phí khí thải là nhằm hạn chế phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt là phương tiện cũ nát, có nguy cơ cao phát thải gây hại với môi trường.

Theo bảng xếp hạng của trang Global Petrol Prices vào ngày 10/9 vừa qua, giá bán lẻ xăng và cả dầu diesel của Việt Nam đứng thứ 49 từ thấp đến cao trong tổng số 165 quốc gia; thấp hơn cả Lào, Campuchia, Trung Quốc hay Thái Lan... Trưởng Bộ môn Quản trị tài chính quốc tế, Khoa Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, như vậy, cơ sở để chúng ta xem xét thuế môi trường đối với xăng dầu vẫn còn một khoảng tương đối rộng. Việc xem xét áp dụng thuế BVMT đối với khí thải là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Vấn đề quan trọng là thời điểm đưa vào áp dụng và mức thuế áp dụng cần phù hợp với điều kiện Việt Nam.