Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 chiều 1/8, phóng viên đặt câu hỏi về việc báo chí nêu phóng sự điều tra về hệ thống đào tiền ảo Sky Mining bị sập và ông chủ hệ thống này đang bỏ trốn, hơn 4.000 nhà đầu tư đang lo sợ mất số tiền hơn 700 tỷ đồng. Xin hỏi việc quản lý tiền điện tử tại Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Trả lời câu hỏi, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thọ Hồng cho biết, hiện nay, các quy định pháp lý hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể về tài sản ảo và tiền ảo. Tuy nhiên, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt khung đề án để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo và tài sản ảo. Giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu và hoàn thiện khung pháp lý.
Với tiền điện tử dưới dạng ví điện tử và thẻ trả trước ngân hàng, hiện đang thực hiện theo Luật Giao dịch điện tử và Nghị định 101 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
Trả lời thêm câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bổ sung thêm nội dung liên quan đến tiền ảo, đây là vấn đề Chính phủ rất quan tâm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước về các loại tiền, ở đây là tiền ảo và tài sản ảo. Tuy nhiên các bộ, ban ngành khác cũng có chức năng liên quan trong việc quản lý tiền ảo.
Gần đây, có vụ việc phóng viên vừa nêu gây tổn thất con số chưa chính thức gần 700 tỉ đồng. Liên quan đến Bộ Công Thương, chúng tôi đã có biện pháp quản lý nhập khẩu mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động (máy đào tiền ảo). Theo quy định hiện hành, mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin hiện chưa có mã HS riêng để quản lý, đang xếp chung vào nhóm máy “xử lý dữ liệu tự động”. Mặt hàng này thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ TT&TT. Tuy nhiên quản lý chung về xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm trong việc này.
Theo Nghị định 69 ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, mặt hàng mã HS 8471.80.90 không thuộc danh mục hàng hoá bị cấm nhập khẩu, do đó các doanh nghiệp được phép nhập khẩu các mặt hàng này mà chỉ phải làm thủ tục hải quan để nhập khẩu.
Thứ trưởng cho hay, hiện tiền ảo hay bitcoin không phải tiền tệ và cũng không phải phương thức thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc phát hành và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Trước tình hình trên, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp xem xét và đề xuất tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo theo thẩm quyền. Tuy nhiên, theo Luật hiện nay không cấm nên phải có đề xuất quy định trường hợp nào thì cấm. Hiện, Bộ Công Thương đã có đề xuất và xin ý kiến các bộ ngành liên quan, chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ sớm nhất đưa ra quyết định nhập khẩu từ gốc “máy đào tiền ảo” này.