Tuy nhiên, tổng thu ngân sách sau 9 tháng vẫn cho thấy con số tăng gần 14% so với cùng kỳ nhờ sự đóng góp không nhỏ của các khoản thu từ nhà, đất, xổ số kiến thiết.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế thu ngân sách 9 tháng đạt 843.000 tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán. Số thu này tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng về thu nội địa, báo cáo cho thấy, tổng thu sau 9 tháng đạt 663.700 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ.
Bóc tách kỹ hơn, báo cáo của ngành tài chính chỉ ra, do tăng trưởng sản xuất công nghiệp chưa được cải thiện, một số ngành sản xuất có đóng góp số thu lớn cho ngân sách giảm so với cùng kỳ năm trước (sản xuất điện thoại, ôtô, khai thác dầu thô,…) nên tiến độ thực hiện các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh nhìn chung đạt thấp.Cụ thể, thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,1% dự toán, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Thu từ khu vực DN Nhà nước (không kể thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, tiền bán cổ phần thuộc sở hữu của Nhà nước tại DN) thậm chí mới đạt 60,1% dự toán, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2016.Bên cạnh đó, do công tác cổ phần hóa DN Nhà nước, thoái vốn Nhà nước làm chậm nên số thu tiền bán bớt cổ phần sở hữu nhà nước tại DN mới đạt 16,7% dự toán, bằng mức cùng kỳ năm 2016.Mặc dù có khó khăn như nêu trên, nhưng số thu nội địa về tổng thể theo đại diện Bộ Tài chính vẫn đạt khá so với cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ các khoản thu gián tiếp.Có thể kể tới các khoản như: Thu về nhà, đất đạt 119,7% dự toán, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2016; thuế thu nhập cá nhân đạt 74,9% dự toán (tăng 21,1%), thu phí và lệ phí đạt 83,5% dự toán (tăng 51,3%); thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 90,7% dự toán, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2016.Tiến độ thu ngân sách của các địa phương cũng cơ bản đạt khá so dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước. Đại diện Bộ Tài chính ước tính có 43/63 địa phương thu đạt trên 72% dự toán và 58/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016.