Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, cụ thể là 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và chỉ đạo việc thực hiện nghiêm túc Quyết định 945/QĐ-TTg ngày 20/6/2011 và định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện. Kịp thời công bố, công khai và cập nhật thủ tục hành chính (TTHC) vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo đúng quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP nhằm đảm bảo TTHC phải được công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC khi văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC có hiệu lực. Niêm yết công khai các Quyết định công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tại nơi tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Khuyến khích sử dụng các hình thức công khai khác để tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC. Ngoài ra, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ, Văn phòng UBND cấp tỉnh tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát TTHC tại các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc (đối với Bộ, ngành), tại các Sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã (đối với địa phương). Bố trí đủ biên chế, kinh phí cho hoạt động kiểm soát TTHC để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao; tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát TTHC; đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cần thiết về kiểm soát TTHC cho đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm làm đầu mối kiểm soát TTHC tại các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc (đối với Bộ, ngành), tại các Sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã (đối với địa phương). Đồng thời, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành, phê duyệt các văn bản theo thẩm quyền để thể chế hóa các quy định về kiểm soát TTHC bao gồm: sửa đổi quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy trình công bố, công khai TTHC; phối hợp tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các nhân, tổ chức về quy định hành chính; định mức chi cho hoạt động kiểm soát TTHC; xây dựng kế hoạch và tổ chức rà soát các quy định về TTHC; kế hoạch truyền thông đối với công tác kiểm soát TTHC. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát huy vai trò giám sát hoạt động cải cách TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; tập hợp và gửi những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện TTHC để Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các cấp kịp thời chỉ đạo tháo gỡ, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi như: từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện TTHC; tự ý yêu cầu, bổ sung, đặt thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật; sách nhiễu, gây phiền hà, đùn đẩy trách nhiệm; không công khai, minh bạch TTHC hoặc công khai không đầy đủ các TTHC tại nơi giải quyết TTHC,... Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC tại các Bộ, ngành, địa phương; báo cáo kết quả kiểm tra với Thủ tướng Chính phủ để xem xét có ý kiến chỉ đạo.