Tín dụng tăng 9,15%, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 918,6 nghìn tỷ đồng; ngành công nghiệp và xây dựng đạt hơn 3,32 triệu tỷ đồng, tăng 7,31%; ngành dịch vụ đạt gần 8,6 triệu tỷ đồng, tăng 7,9%. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp so với mục tiêu; khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế…
Tại nhiều hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng do NHNN tổ chức trước đó, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đều cho biết đang "đỏ mắt" tìm khách hàng vay. Trong bối cảnh hiện nay, rủi ro của toàn nền kinh tế đang tăng lên, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh.
“Hội nghị hôm nay có tinh thần như hội nghị "Diên Hồng" nhằm bàn việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thời gian qua, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu NHNN có giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng kịp thời, hiệu quả, xác định hạn mức tăng trưởng cả năm 2023 phù hợp với thực tế. “Việc điều hành tín dụng phải đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, an toàn hệ thống tín dụng, đồng thời tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”- Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhận định ngân hàng, doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Sự phát triển của ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan đến nhau và liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng và doanh nghiệp mới phát triển. Ngược lại, ngân hàng và doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển.
Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế chúng ta đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế nên hành động phải thận trọng, chắc chắn, bước đi phù hợp. Nhưng phải có lộ trình để ngày càng sử dụng công cụ thị trường nhiều hơn là công cụ hành chính, tiến tới thị trường đầy đủ, theo các tiêu chuẩn quốc tế.
“Ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, có lợi nhuận, vậy thì lúc khó khăn phải chia sẻ với người dân, với doanh nghiệp. Không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng có linh hoạt được không?”- Thủ tướng đặt câu hỏi.
Về doanh nghiệp bất động sản, thời gian qua nhiều đơn vị lĩnh vực này kêu khó tiếp cận vốn. Nhưng trong những năm qua, bất động sản tăng giá, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi "một chiều" thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa? Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ" thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, điều hành linh hoạt room tín dụng
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian tới, dứt khoát không có chuyện ngân hàng phải xin room tín dụng. NHNN sẽ chủ động triển khai phân bổ hạn mức mức tín dụng một cách hợp lý nhất dựa trên nhiều yếu tố. Về định hướng điều hành chính sách trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, bám sát diễn biến trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ nay đến cuối năm, NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời điều hòa tăng trưởng tín dụng từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu hạn mức, đảm bảo cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trong thời gian tới; Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; Đẩy mạnh công tác đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp; Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian tới, NHNN phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc tổ chức triển khai, thực hiện các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội để hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Nghiên cứu việc công bố lãi suất cho vay bình quân của các TCTD để khách hàng lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để tiếp cận vay vốn.
Đối với các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị này tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; Khẩn trương rà soát các dự án, các doanh nghiệp (đáp ứng/không đáp ứng điều kiện cho vay) để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, hiệu quả, chia sẻ hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng vay vượt qua khó khăn để tiếp tục quay vòng vốn, trả nợ; Tham gia các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và chủ động tổ chức hội nghị khách hàng để giải quyết các khó khăn; Tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục vay vốn, công khai phí, lãi suất… nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của NHNN; triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu.
Tuy nhiên để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc cũng đề xuất cần triển khai đồng bộ các giải pháp mới đạt hiệu quả. Cụ thể, cần kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế,đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác thị trường nội địa; cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, hỗ trợ tổ chức tín dụng trong xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản để thu hồi nợ; hỗ trợ áp dụng thủ tục rút gọn theo yêu cầu của Tòa án trong việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội.
Về phía các doanh nghiệp để nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…), nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng và Quỹ Phát triển tổ chức tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; Xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng, trá hình kinh doanh tiền tệ bất hợp pháp (qua mạng và đòi nợ thuê)…
Thủ tướng khẳng định, cần tìm ra lời giải cho bài toán tín dụng vì đang tiếp cận tín dụng khó, có tiền mà chưa tiêu được; phải bàn trên tinh thần thẳng thắn, tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu. Mỗi chủ thể đóng góp, có cả sự hy sinh thì mới làm được. Nếu không có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, không nhường nhịn, hy sinh thì không thể vượt qua được. Lịch sử đất nước cho thấy, mỗi lúc khó khăn, chúng ta đều đoàn kết vượt qua. Cần nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phải sử dụng các công cụ thị trường chứ không thể công cụ hành chính.