Thủ tướng đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong những phiên họp trù bị vừa qua, trong đó có việc xem xét thực hiện lộ trình hành động, thống nhất về giải pháp nông nghiệp thân thiện với môi trường; sự liên kết giữa nông nghiệp, năng lượng và nước cũng như liên kết giữa lâm nghiệp với nông nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Đặc biệt là các chính sách trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng gia tăng sản lượng, nhưng đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu tối đa các yếu tố làm tăng biến đổi khí hậu (BĐKH) trong thế kỷ XXI.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam là quốc gia mà nông nghiệp có một vị trí rất quan trọng và luôn được ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam cũng là nước thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, BĐKH. Chỉ tính riêng 5 năm (2007 - 2011), bình quân mỗi năm thiên tai làm chết trên 430 người, gây thiệt hại tài sản tương đương gần 1% GDP.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào mừng các đại biểu đến dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Trong nhiều năm qua, nhờ sự nỗ lực phát triển nông nghiệp toàn diện và ứng phó với BĐKH, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật là sản xuất lương thực, thủy sản và cây công nghiệp. Từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm.
Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH và phát triển nhanh, bền vững đất nước. Trong đó, đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Việt Nam đang tích cực cơ cấu lại nền nông nghiệp, tập trung khai thác tốt nhất các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm tổn thất trong khâu sản xuất và sau thu hoạch, đổi mới chính sách đất đai, đẩy mạnh đầu tư từ Nhà nước và có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Việt Nam cũng đã thành lập Ủy ban Quốc gia về BĐKH, đang xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, chất lượng cao.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế liên quan triển khai phát triển các mô hình thí điểm về nông nghiệp xanh tại Việt Nam để có thể rút kinh nghiệm, chia sẻ với các quốc gia đối tác khác.
Hội nghị AFC II diễn ra từ ngày 3 - 7/9 với sự tham gia của trên 500 đại biểu đến từ 150 nước và hơn 20 tổ chức quốc tế. Trong những ngày qua, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện BĐKH.