Đứng thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản
Tham dự diễn đàn có khoảng 600 đại biểu là đại diện các bộ, ngành T.Ư, địa phương; các hiệp hội và trên 300 DN chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng tham dự sự kiện quan trọng này.
Thông tin tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau 14 năm phát triển, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Theo thống kê năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản vượt ngưỡng 9,3 tỷ USD, chiếm trên 25% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp, giá trị suất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 Châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Từ hiệu quả của chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đến nay, gỗ rừng trồng trong nước đã đáp ứng trên 80% nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến. Chất lượng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng đã từng bước được nâng lên. Cùng với đó, năng lực chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản có sự tăng trưởng mạnh về quy mô, số lượng, chất lượng và tính thẩm mỹ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đến nay, cả nước có 4.500 DN chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là DN tư nhân, 3,5% DN có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số DN chế biến sản phẩm xuất khẩu trên 1.800 DN. Nhiều DN đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ giúp nâng cao giá trị gia tăng. Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, không chỉ mang lại sinh kế cho trên 20 triệu người dân, mà còn khẳng định vị thế là ngành kinh tế xanh, mang lại nhiều ngoại tệ…
“Muốn có rừng phải dựa vào người dân và doanh nghiệp”
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá mức tăng trưởng trên 800% trong thời gian hơn 10 năm qua là một kết quả rất đáng biểu dương, thể hiện thành quả của sự cố gắng nỗ lực không ngừng, tinh thần làm việc say mê sáng tạo của cộng đồng các DN chế biến gỗ và lâm sản. Chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã trở thành ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực, giúp giải quyết nhiều lao động và là một trong ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu bứt phá toàn diện ngành kinh tế, do đó, ngành gỗ và lâm sản cũng phải có ý chí quyết tâm, quyết liệt tìm kiếm, triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển trên cơ sở nhận diện đầy đủ tiềm năng, lợi thế, hướng tới phát triển bền vững. Biểu dương những kết quả nổi bật đã đạt được, tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu là còn rất khiêm tốn. Dù vậy, hội nhập quốc tế, sự tham gia các hiệp định thương mại, cùng xu hướng nguồn nguyên liệu hợp pháp trong nước ngày càng chủ động, sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của người dân và các DN trong bảo vệ và phát triển rừng. “Muốn có rừng thì phải dựa vào người dân, và nếu không có DN thì không thể phát triển sâu rộng ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản” - Thủ tướng nói.
Không chỉ nhằm bảo vệ môi trường, sự phát triển bền vững, đây còn là cơ sở quan trọng bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Do đó, Thủ tướng mong muốn các DN tiếp tục nâng cấp, ứng dụng công nghệ cao, tự động hoá, đa dạng mẫu mã, thiết kế, tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Các Bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách tín dụng phù hợp hỗ trợ và huy động sự tham gia của đông đảo người dân trong trồng rừng, xây dựng nguồn nguyên liệu hợp pháp. Bên cạnh đó là để người dân các địa phương được hưởng lợi từ rừng và lâm sản đặc sản. “Sâm Ngọc Linh được xem là “bảo vật quốc gia”, nhưng phải biến nó thành sinh kế của nhiều người dân…” - người đứng đầu chính phủ nói.
Nhấn mạnh “muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương tìm kiếm các giải pháp về liên kết, giải quyết tốt bài toán về thị trường tiêu thụ trên cơ sở bám sát các hiệp định tự do thương mại, tiến tới mở rộng và thâm nhập sâu rộng vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu EU... Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành công xưởng, trung tâm sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục lắng nghe những ý kiến góp ý, kiến nghị của cộng đồng DN, doanh nhân, Hiệp hội ngành hàng… “Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt hành động, đổi mới tư duy, nhận thức để đồng hành với DN đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản nhanh, bền vững” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.