Quyết liệt, nhanh chóng, không chần chừ
Có thể nói, Hà Nội là địa phương chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh này, nguy cơ rủi ro lớn nhất với nguồn bệnh bên ngoài sau đó lây chéo từ bên trong... thực tế đến nay Hà Nội có số ca bệnh cao nhất cả nước. Hà Nội cũng phải thực hiện trách nhiệm của Thủ đô khi đón và thực hiện các biện pháp đưa đón, cách ly, chăm sóc, theo dõi sức khỏe với lưu học sinh, công dân Việt Nam ở nước ngoài về (khoảng 55.000 người).
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ từng nêu quan điểm trong công tác phòng chống dịch: "Chấp hành như chấp hành mệnh lệnh trong thời chiến. Chúng ta không bàn luận, không có thời gian suy nghĩ, phân tích nhiều”.
Cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch (Covid-19) của thành phố có sự tham dự của Bí Thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung |
Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 19 văn bản chỉ đạo và đặc biệt là Chỉ thị 31 hưởng ứng lời kêu gọi đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và thực hiện Chỉ thị 11,15,16 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thường trực Ban Bí thư. Thời gian qua, cơ bản các văn bản chỉ đạo trên được người dân và hệ thống chính trị thực hiện một cách nghiêm túc.
Bí thư Thành ủy cũng đánh giá rất cao tinh thần chủ động, sáng tạo của Ban chỉ đạo phòng dịch Covid -19 các cấp, đặc biệt là vai trò của Ban chỉ đạo thành phố, đồng chí Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo đã thường xuyên sâu sát.
Bước vào cuộc chiến, Ban Chỉ đạo đã vạch chiến thuật, chiến lược chống “giặc”, trong đó, quan điểm, chủ trương lấy phòng dịch là chính, cố gắng mức thấp nhất các ca nhiễm mới, không để dịch bùng phát.
Chủ tịch nêu kinh nghiệm trên thế giới, một số nước chần chừ, không quyết liệt trong công tác phòng chống dịch, dẫn tới hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe sụp đổ, gánh chịu hậu quả của đại dịch, nhiều người nhiễm bệnh và tử vong.
Bên cạnh đó, một nước chống dịch quyết liệt như chúng ta đang chọn, giúp kiềm chế được lây nhiễm, giảm gánh nặng lên y tế; giúp có điều kiện thời gian để chuẩn bị điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân... “Việc chống dịch quyết liệt giúp chúng ta có thời gian chuẩn bị, học hỏi thêm từ bài học chống dịch từ các nước, không được chủ quan, chần chừ trong phòng chống dịch”, Chủ tịch nhấn mạnh.
Trong quá trình xử lý ổ dịch bệnh viện Bạch Mai, Ban Chỉ đạo của TP yêu cầu các đơn vị phải hành động nhanh chóng và dứt khoát, tránh tình trạng lừng khừng. Không cho phép và cũng không có thời gian để bàn. Ví dụ thấy người có yếu tố tiếp xúc với người bệnh, hay người liên quan đến ổ dịch tại BV Bạch Mai phải dứt khoát cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm. Đối với ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, đến nay đã qua 14 ngày không phát hiện các ca mới.
Chủ trương nâng lên một mức phản ứng với dịch bệnh so với khuyến cáo của Bộ Y tế đã phát huy hiệu quả trong xử lý ổ dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Ngày 6/4, khi ca bệnh 243 được công bố thì tại địa phương đã phong tỏa xong xóm Bàng – nơi ở của bệnh nhân. Cùng lúc đó, buổi chiều cùng ngày, việc điều tra, lấy mẫu các trường hợp tiếp xúc F1 cơ bản xong, ngay tối các trường hợp F1 lên xe đi cách ly tập trung.
Do phong tỏa kịp thời, người dân ở yên trong nhà, vì vậy nếu những ca bệnh đầu tiên ở thôn Hạ Lôi như bệnh nhân 243; 250 có số người tiếp xúc F1 lên tới hơn 100 người, thì những ca bệnh về sau số tiếp xúc F1 chỉ khoảng vài ba chục người. Tại ổ dịch phức tạp tại thôn Hạ Lôi đến nay phát hiện 13 ca nhiễm, tất cả đều ở trong thôn, chưa lây lan sang thôn, xã khác. Toàn bộ xã Mê Linh khoảng 15.000 người được lấy mẫu xét nghiệm, ngoài các ca bệnh đã công bố, còn lại tất cả đều âm tính. Đến nay, 6 ngày qua, ổ dịch phức tạp nhất này chưa có ca nhiễm mới.
Có thể nói, chính sự nhanh chóng và dứt khoát trong công tác phòng chống, dập ổ dịch của Ban chỉ đạo TP Hà Nội đã kiểm soát được ổ dịch thôn Hạ Lôi.
Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương sớm nhất khuyến cáo người dân làm việc ở nhà, hạn chế ra đường, hạn chế dùng xe công cộng, đóng cửa hàng dịch vụ không thiết yếu, xử phạt người ra đường không có lý do cần thiết, bỏ thói quen la cà trà đá, cà phê, nhậu ... tất cả những khuyến cáo trên đều được người dân Thủ đô hưởng ứng.
Thủ tướng biểu dương Hà Nội
Tại Phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 22/4 có sự tham dự trực tuyến của các địa phương, cũng là phiên họp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Tổng chỉ huy chiến dịch chống “giặc Covid-19” và các đại biểu dự họp thảo luận sôi nổi, thoải mái nhất kể từ ngày 6/3 (xuất hiện ca nhiễm thứ 17) đến nay.
Thủ tướng đánh giá: “Hà Nội chống dịch rất quyết liệt, phải nói rằng các đồng chí có tinh thần trách nhiệm cao, không ngại va chạm”. |
Sự thoải mái có thể dễ hiểu khi thời gian qua, các địa phương, các bộ, ngành cũng như toàn thể nhân dân đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, đồng bộ, đạt kết quả đáng mừng, nhờ vậy mà 6 ngày qua cả nước không phát hiện thêm trường hợp nào bị nhiễm Covid-19. Thủ tướng xếp Hà Nội vào nhóm địa phương “có nguy cơ”, từ ngày 23/4, cả nước không còn tỉnh, thành nào phải cách ly xã hội.
Tại phiên họp, Thủ tướng đánh giá: “Hà Nội chống dịch rất quyết liệt, phải nói rằng các đồng chí có tinh thần trách nhiệm cao, không ngại va chạm”.
Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng biểu dương Hà Nội, trước đó, tại cuộc làm việc với Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, ngày 20/4, Thủ tướng biểu dương Hà Nội đã nỗ lực, làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19; Trước đó nữa, cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 6/4 về công tác phòng chống dịch, Thủ tướng biểu dương việc triển khai Chỉ thị 16 rất hiệu quả của các địa phương, trong đó đặc biệt là Hà Nội.
Lần khác, tại phiên họp với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng nhận xét: “Tại Hà Nội, các đồng chí đã chủ động phát hiện, đề xuất với Trung ương các biện pháp xử lý ổ dịch ở bệnh viện Bạch Mai”.