Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Khẳng định chủ quyền Biển Đông

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau báo cáo giải trình thêm các vấn đề về kinh tế - xã hội, trong phần trả lời các ý kiến chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tập trung vào 3 nội dung chính:

Chủ trương của Chính phủ để bảo đảm chủ quyền của ta ở Biển Đông, đảm bảo cho các ngư dân của ta đánh bắt ở Biển Đông; vấn đề liên quan tới Luật Biểu tình; vấn đề liên quan đến công tác quản lý khai thác khoáng sản.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền Biển Đông

Trả lời câu hỏi của một số ĐB về những giải pháp để ngư dân Việt Nam yên tâm bám biển, đẩy mạnh đánh bắt cá ở Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Về Biển Đông phải giải quyết 4 loại vấn đề, trong đó có đàm phán phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ; khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Theo Thủ tướng, chúng ta có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử để khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên biển Đông, đặc biệt là đối với chủ quyền trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển năm 1982. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982 và tuyên bố DOC là phải bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự ở Biển Đông bởi đây là mong muốn, là lợi ích của tất cả các bên liên quan, không chỉ của Việt Nam.

Luật Biểu tình đảm bảo quyền tự do, dân chủ

Đề cập đến vấn đề  Luật Biểu tình, Thủ tướng cho biết: Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật Biểu tình là để thực hiện Điều 69 của Hiến pháp. Điều này quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật nhưng chúng ta chưa có Luật Biểu tình. Hơn nữa, trong thực tế cuộc sống hiện nay có nhiều cuộc đồng bào ta tụ tập đông người, biểu tình để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng kiến nghị với chính quyền nhưng chúng ta chưa có luật để điều chỉnh vấn đề này.

Trước thực trạng như vậy, Chính phủ thấy rằng nên kiến nghị với Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật để chúng ta có Luật Biểu tình. Luật đó phù hợp với Hiến pháp, luật đó phù hợp với đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam, luật đó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời luật cũng có yêu cầu là ngăn chặn những việc làm, hành vi gây xâm hại đến an ninh trật tự, đến lợi ích của xã hội và nhân dân.

Về vấn đề chủ trương của Chính phủ đối với những người có những hành động, việc làm biểu thị lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ là luôn luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với mọi hoạt động, việc làm của tất cả mọi người dân thật sự vì mục tiêu yêu nước, thật sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những hoạt động vì mục tiêu đó, đều được trân trọng, hoan nghênh, khuyến khích, và khen thưởng thích đáng. Nhưng đồng thời cũng không hoan nghênh và phải buộc xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những hoạt động, những hành vi với động cơ lợi dụng với danh nghĩa lòng yêu nước, lợi dụng với danh nghĩa bảo vệ chủ quyền mà để thực hiện mục tiêu, mục đích gây phương hại cho đất nước, cho xã hội.