Trong báo cáo về "Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016" trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong những năm vừa qua, phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ (KHCN) là một trong những đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực
Thủ tướng điểm lại, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ có bước tiến bộ, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, thông tin truyền thông, y tế, xây dựng. Thị trường KHCN có bước phát triển, giá trị giao dịch tăng 13,5%/năm. Số lượng sáng chế và các giải pháp hữu ích đăng ký bảo hộ gấp gần 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2015 tăng 19 bậc so với năm 2010 .
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tăng cường ứng dụng tiến bộ KHCN cùng với tái cơ cấu ngành đã giúp hình thành một số khu nông nghiệp công nghệ cao, tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ quy mô lớn. Đa dạng hóa các loại hình hợp tác liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn.
Tuy nhiên Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, việc phát triển nguồn nhân lực, KHCN vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao còn chậm. Chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Chính từ thực tế này, trong phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016, Thủ tướng cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và phân bổ lao động hợp lý. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân.
Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, đánh giá kết quả, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề và giáo dục đại học. Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Phát triển hợp lý giáo dục công lập và ngoài công lập. Ngân sách nhà nước bảo đảm cho giáo dục phổ cập. Khuyến khích xã hội hoá đầu tư phát triển các trường chất lượng cao. Giao quyền tự chủ phù hợp cho các cơ sở giáo dục đào tạo. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo cho các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách. Có cơ chế đặc thù để tuyển chọn và trọng dụng nhân tài, Thủ tướng định hướng.
Mặt khác, Thủ tướng cũng cho rằng cần tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao tiềm lực và hiệu quả hoạt động KHCN. Khuyến khích mạnh mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng KHCN, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm quốc phòng an ninh và các nhu cầu phát triển của xã hội.
Thực hiện cơ chế đặc thù để phát triển các cơ sở nghiên cứu KHCN theo mô hình tiên tiến, triển khai những dự án quan trọng, các sản phẩm trọng điểm quốc gia. Nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học từ ngân sách Nhà nước và hoạt động của các quỹ KHCN công lập. Khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tăng cường thực thi pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực KHCN trình độ cao trong nước, kết hợp với thu hút trọng dụng cán bộ thực tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
|