Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp báo quốc tế

D. Tiêu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 26/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp báo quốc tế về kết quả các Hội nghị ACMECS, CLMV, WEF-Mekong.

Trong lần đầu tiên chủ trì họp báo trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng gặp gỡ báo chí với kỳ vọng báo chí tiếp tục đóng góp vào sự phát triển đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị “3 trong 1” (Hội nghị ACMECS lần thứ 7, CLMV lần thứ 8 và WEF-Mekong).
Hội nghị WEF-Mekong là sáng kiến của Việt Nam được WEF và các nước Mekong ủng hộ. Đây là lần đầu tiên, WEF tổ chức một hội nghị riêng về khu vực Mekong.
“Ba hội nghị này rất thành công”, Thủ tướng nhìn nhận và cho biết thành công đó thể hiện trên một số phương diện.
Đó là chưa bao giờ hội nghị có sự tham dự đông đảo như lần này, gồm lãnh đạo các nước có liên quan. Đặc biệt lần này Việt Nam có sáng kiến mới là mời các đối tác phát triển cùng tham gia suốt từ đầu đến cuối các sự kiện như Ngân hàng Thế giới (WB), Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ngoài ra có các tập đoàn lớn của WEF và các nước trong khu vực, trong đó có nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với đó còn có các đại sứ, đại biện tại Hà Nội cùng tham gia hội nghị ACMECS và CLMV.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp báo quốc tế về kết quả các Hội nghị ACMECS, CLMV, WEF-Mekong

“Tại hội nghị này, chúng ta đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp mới, mạnh mẽ hơn như tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, để phấn đấu xây dựng xã hội hướng về người dân, ứng phó kịp thời hơn với biến đổi khí hậu trong khu vực. Không những bằng chủ trương mà lần này còn đưa ra nhiều biện pháp cụ thể với nhiều dự án khu vực để kết nối ACMECS, CLMV”, Thủ tướng nói.
Các nước thấy rằng cần tăng cường quan hệ nội khối tốt hơn, đồng thời phát triển mạnh mẽ mối quan hệ với các nước phát triển, từ các nước nhóm đầu ASEAN, EU, Trung Quốc, các nước khác, các đối tác phát triển như WB, ADB. "Đó là sự đổi mới. Tôi cảm nhận các nhà lãnh đạo của ACMECS và CLMV họ cảm thấy sự thiết thực của hội nghị được tổ chức lần này ở Việt Nam”, Thủ tướng chia sẻ.
Sau khi thông báo tóm tắt về kết quả Hội nghị, Thủ tướng trực tiếp trả lời một số câu hỏi của phóng viên trong nước và nước ngoài.
Xin Thủ tướng cho biết kết quả chính của 3 hội nghị diễn ra trong những ngày vừa qua?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tôi đã nêu những kết quả chính để thông tin đến các bạn. Tôi có thể nêu một số điểm cụ thể hơn. Đó là chúng ta đã bàn các biện pháp huy động nguồn lực nhằm phát triển và khơi dậy tiềm năng tăng trưởng của khu vực Mekong. Chúng ta đã đưa ra được những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với tiến trình công nghiệp hóa ở các nước Mekong và những giải pháp kết nối, đồng thời đưa ra các biện pháp tăng cường hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh rằng các nước CLMV có sự chậm trễ hơn trong phát triển do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện tự nhiên khó khăn. Cho nên cần phải cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn cũng như ứng dụng kinh tế số ở các nước này một cách kịp thời hơn, để phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhất là các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ thông tin.
Các nước đưa ra nhiều biện pháp tích cực vào quá trình thực hiện các dự án mà các nước đặt ra.
Các hội nghị do Việt Nam đăng cai tổ chức lần này có điểm gì mới đặc biệt so với các hội nghị ACMECS, CLMV trước đây, thưa Thủ tướng?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Như tôi vừa nói, điểm mới là số lượng đại biểu tham dự đông nhất từ trước tới nay. Các đối tác phát triển tham dự cũng rất đông. Trong đó các đối tác phát triển cũng nói hỗ trợ nguồn lực cho các nước chậm phát triển hơn, nhất là trong CLMV. Các tập đoàn kinh tế lớn - những người quyết định quan trọng đến sự tăng trưởng và phát triển - đã tham gia từ đầu đến cuối, nhất là các tập đoàn thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới. Họ tìm hiểu các dự án khả khi rất kỹ để đầu tư vào các nước ACMECS cũng như CLMV. Nhất là đối tác phát triển họ rất nhiệt tình, trách nhiệm và nhận thấy các nội dung chúng ta đưa ra rất thiết thực. Do vậy họ cho rằng cần có các dự án lớn tầm cỡ khu vực để kết nối khu vực, nhất là kết nối giao thông, điện, các nền kinh tế, rồi tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng xanh trong sự phát triển của nội khối.
Việt Nam đã làm gì để tranh thủ hiệu quả và tận dụng tối đa các cơ hội mà các cơ chế hợp tác ACMECS, CLMV đã mang lại, thưa Thủ tướng?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam phải thấy được điểm yếu của mình là gì và trách nhiệm của mình trong nội khối như thế nào. Đây là một câu hỏi đặt ra. Cho nên việc chuẩn bị các dự án có tính khả thi cao để kết nối là rất quan trọng. Việt Nam cũng phải đặt vấn đề nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh để thuộc nhóm đầu ASEAN chứ không chỉ trong nhóm CLMV. Các chỉ số cạnh tranh phải tốt hơn, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phát triển, hành động, chủ động hơn để quản lý kinh tế-xã hội tốt hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, tạo nguồn lực tốt nhất để phát triển kinh tế-xã hội, đi kịp, sánh vai cùng các nước.
*Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM của Việt Nam Vũ Quang Minh tham gia trả lời, giải đáp thêm các vấn đề mà báo chí quan tâm.