Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian đến thăm trang trại chăn nuôi của hộ gia đình ông Trần Văn Mậu (thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương). Đây là hộ có tổng đàn lợn bị tiêu hủy lớn nhất của Hà Nội với 629 con, tổng trọng lượng trên 47 tấn.
Sau khi nghe Thủ tướng thăm hỏi, ông Mậu xúc động cho biết, ngay khi phát hiện dịch, gia đình đã được UBND huyện Đông Anh, Sở NN&PTNT Hà Nội giúp tiêu hủy đàn lợn và hỗ trợ kịp thời theo chính sách của TP.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm trang trại chăn nuôi của hộ gia đình ông Trần Văn Mậu (thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội). |
Hà Nội đã làm tốt công tác phòng chống dịch
Thông tin tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 24/24 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội. Tổng số lợn bị mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 147.733 con (chiếm khoảng 7,9% tổng đàn lợn toàn TP). Tổng trọng lượng lợn bi tiêu hủy lên tới trên 10.000 tấn.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, ngay từ khi có thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ tháng 8/2018, Hà Nội đã triển khai các giải pháp phòng chống theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT.
Đặc biệt, TP rất linh hoạt, chủ động trong tổ chức thực hiện. Cụ thể là đối với công tác hỗ trợ, TP đã chủ trương ngay từ khi phát hiện dịch là hỗ trợ các hộ có lợn bị tiêu hủy trong thời gian chậm nhất là 7 ngày. Mức hỗ trợ đối với lợn thương phẩm bằng 80% giá thị trường; đối với lợn sinh sản hỗ trợ bằng 1,8 lần giá lợn thương phẩm. Điều này đã góp phần quan trọng giúp các hộ chăn nuôi ổn định tâm lý, đặc biệt là tránh được tình trạng giấu dịch, giết mổ lợn bệnh tiêu thụ ra ngoài thị trường.
Công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi của TP Hà Nội được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao. Theo Bộ trưởng, Hà Nội đã đã chỉ đạo rất tập trung và vệ sinh môi trường tổng thể rất tốt. Sở dĩ Hà Nội có tổng đàn bị thiệt hại lớn một phần nguyên nhân đến từ việc TP có tổng đàn lớn (đứng thứ 2 cả nước với 1,9 triệu con), lại là cửa ngõ giao thông với nhiều tỉnh, TP.
Phòng là chính
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết: Sau khi thị sát thực tế tại hộ chăn nuôi lợn tại Đông Anh, Thủ tướng thấy Bộ NN&PTNT, TP Hà Nội, huyện Đông Anh, người dân đã chủ động triển khai phòng, dập dịch tả lợn châu Phi. “Tôi vào hộ ở xã Tiên Dương thì thấy cách làm quyết liệt, hủy cả đàn, chôn lấp đúng kiểu, hỗ trợ người dân kịp thời”.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, do đặc điểm chăn nuôi lợn ở Việt Nam với 2,5 triệu hộ nuôi lợn và do đặc điểm của bệnh (chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh, virus có sức đề kháng cao, sống lâu, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát), cho nên, đến nay, 34 tỉnh, TP bị thiệt hại với 5% tổng đàn. Ở Hà Nội, có 24/24 huyện, quận đã bị nhiễm bệnh với 10% tổng đàn bị thiệt hại, còn Đông Anh thì thiệt hại đến 20%.
Thủ tướng lưu ý cảnh báo của FAO (Tổ chức Lương thực, Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) cho biết dịch tả lợn châu Phi có thể kéo dài. Ở các nước lân cận, cũng bị thiệt hại rất lớn.
Nhận định nhiệm vụ khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ còn là cuộc chiến lâu dài, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp ủy, chính quyền, bộ ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần: Phòng chống dịch như chống giặc! Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong khống chế dịch tả lợn châu Phi.
“Bí thư chi bộ, trưởng thôn, bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn, thường vụ huyện ủy ở đây phải thay đổi phương thức, cách làm, phải chỉ đạo quyết liệt để không xảy ra cả huyện. Không làm sơ sơ được, mà cần có cách làm rất cụ thể, quyết liệt” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Với đặc điểm của dịch bệnh, Thủ tướng đề nghị cần lưu ý “Phòng là chính, cơ sở là chính, dân là chính”. Do đó, các cấp cơ sở chưa có dịch phải chủ động hơn nữa, không đợi có dịch rồi mới chống; có dịch rồi thì phải ngăn chặn kịp thời theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Trong triển khai, cần hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy chặt chẽ, minh bạch và đảm bảo về vấn đề môi trường.
Không quay lưng với thịt lợn sạch
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý ngành chăn nuôi - thú y của Hà Nội, cũng như các tỉnh, TP cần giám sát chặt chẽ và hỗ trợ các trang trại lợn sạch tiêu thụ thịt lợn an toàn. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để giữ vững niềm tin của người tiêu dùng, không để người dân quay lưng với thịt lợn sạch. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi, cũng như người nông dân.
Đối với một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ lưu ý Hà Nội cũng như các địa phương cần quan tâm, có biện pháp phát triển nguồn sinh kế khác để ổn định đời sống cho người chăn nuôi và bảo đảm nguồn cung các loại thực phẩm trong thời gian tới.
“Các địa phương không được chủ quan, ỷ lại, chính quyền các cấp phải chủ động hơn, có kế hoạch cụ thể để dập dịch hiệu quả hơn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Đồng thời đề nghị phát động phong trào trong cả nước từ cơ sở đến mỗi người dân, để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao hơn, giảm thiệt hại cho kinh tế nước nhà.