Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thể chế phải mở đường cho đột phá phát triển

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thể chế phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, phục vụ Nhân dân và các yêu cầu phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Đây là hội nghị đầu tiên, cách làm mới của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.

Hội nghị do Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị đã nghe quán triệt các nội dung chính, điểm mới và tình hình công tác chuẩn bị, triển khai thi hành, thực thi Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thủ đô…

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật

Các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá về những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội thời gian qua.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện thể chế. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua trên 60 luật, nghị quyết; ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành gần 90 quyết định quy phạm pháp luật.

Quốc hội đã có nhiều văn bản quan trọng, nhiều chính sách mới, đột phá, góp phần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ…

Công tác triển khai thi hành các luật, nghị quyết có nhiều chuyển biến tích cực. Với tinh thần trách nhiệm cao, Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thách thức, khẩn trương triển khai thi hành luật, nghị quyết.

Các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá về những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá về những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động phối hợp ngay từ đầu với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình soạn thảo, trình, thẩm tra các dự án luật, dự thảo nghị quyết nhằm tạo sự đồng thuận cao, thuận lợi cho công tác triển khai thi hành.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề phát sinh, cấp bách để có phản ứng chính sách phù hợp với thực tiễn.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, các bộ đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến 35 đề nghị, dự án luật, dự thảo nghị quyết; Chính phủ ban hành 75 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 quyết định quy phạm pháp luật; đồng thời, Chính phủ đã ban hành 131 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 645 quyết định cá biệt, 19 chỉ thị, 64 công điện và gần 8.400 văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan.

Để chấn chỉnh tình trạng "tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu,… làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bảo đảm nguồn lực cho công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết (đến 25/7/2024, đã có 125 văn bản quy định chi tiết được ban hành); đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách, giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt nội dung các chính sách lớn, tạo thuận lợi cho việc đóng góp ý kiến, tăng cường đồng thuận xã hội.

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế - đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của pháp chế đáp ứng yêu cầu xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"5 tạo lập" của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết thay mặt Chính phủ trân trọng cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ, đồng hành chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ, của các cơ quan của Quốc hội với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng hoan nghênh và cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, mang tính xây dựng của các đại biểu, đặc biệt là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; giao Bộ Tư pháp, các bộ liên quan phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện và ban hành Thông báo Kết luận của Hội nghị quan trọng này để thống nhất triển khai.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung về tầm quan trọng của công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, pháp luật; những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế; bài học kinh nghiệm; nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

Về tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Thủ tướng nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh định hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường,... tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thể chế phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình diễn biến nhanh, công việc nhiều, đòi hỏi cao, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật với tư duy, cách làm, phương pháp luận phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước; cụ thể hóa, thể chể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia quá trình này và mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp theo cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", khi pháp luật đi vào cuộc sống được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, phục vụ Nhân dân và các yêu cầu phát triển đất nước.

Thủ tướng khái quát "5 tạo lập" của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước: (i) Tạo lập cơ sở pháp lý để kiến tạo, phát triển năng lực các chủ thể, phát huy đúng vai trò của từng chủ thể; (ii) Tạo lập cơ chế, chính sách huy động và phân bổ mọi nguồn lực; điều tiết hài hòa lợi ích phát triển giữa các chủ thể; (iii) Tạo lập "sân chơi" lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phù hợp, hiệu quả đối với các chủ thể trong từng lĩnh vực; (iv) Tạo lập khung khổ pháp lý phù hợp để hội nhập quốc tế có hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; (v) Tạo lập cơ chế vận hành, kiểm soát có hiệu quả, khắc phục, phòng ngừa các rủi ro, tiêu cực.

Phân tích các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là sự vào cuộc, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực với tâm huyết, trách nhiệm của người đứng đầu mang tính quyết định; cùng với đó là bám sát thực tiễn, nhu cầu, mong muốn của Nhân dân, vướng mắc cần tháo gỡ, thách thức cần vượt qua; chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã làm là có sản phẩm, hiệu quả cụ thể để xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp, khả thi, hiệu quả.

Kịp thời ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết

Về các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả" trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.

Thủ tướng chỉ rõ phương châm hành động "5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh tiến độ, chất lượng xây dựng luật theo đúng tiến độ đề ra; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; đẩy mạnh công tác rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa; đẩy mạnh cơ chế phân công, phân cấp, phân quyền phù hợp, khả thi, hiệu quả các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Theo Thủ tướng, qua Hội nghị này, Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp tục rà soát các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để ban hành một luật sửa nhiều luật.

Cùng với đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thường xuyên, bao trùm, tổng thể, kịp thời, hiệu quả hơn. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức các kỳ họp Quốc hội như một kỳ họp có thể tổ chức nhiều đợt, kết hợp trực tiếp và trực tuyến; các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ chủ động phối hợp từ sớm, từ xa trong công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để triển khai đồng bộ, hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Cùng với đó, bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng, ban hành, trình ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết. Chuẩn bị kỹ để thực hiện các chính sách, quy định mới có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý.

Tăng cường công tác quán triệt, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Chủ động rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập phát sinh, nhất là các bất cập liên quan đến thủ tục hành chính, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ việc rà soát, kiến nghị xử lý các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật với việc rà soát, kiến nghị xử lý các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố chủ động ban hành Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết trên địa bàn; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương.

Cùng với đó, chủ động xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh tại địa phương trong quá trình thi hành luật, nghị quyết; kịp thời báo cáo, đề xuất phương án đối với những vấn đề có vướng mắc để cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, xem xét, xử lý và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết.

Hội đồng nhân dân các cấp nghiên cứu tổ chức hội nghị hoặc cách thức phù hợp để quán triệt, triển khai luật, nghị quyết, tập trung vào những nội dung, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho chính quyền địa phương thực hiện.

Thủ tướng đề nghị các ủy ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, bộ, ngành ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi của các quy định trong các dự án luật, nghị quyết; tăng cường hoạt động giám sát trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, những vi phạm để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp.

Thủ tướng đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân bằng các hình thức phù hợp; vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện luật, nghị quyết; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan của Chính phủ trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tổ chức triển khai thi hành pháp luật; thực hiện phổ biến pháp luật thông qua hoạt động truy tố, xét xử và thi hành án.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và các cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ trong công tác xây dựng, thực thi pháp luật cần phát huy trách nhiệm cao nhất, làm việc có cảm xúc với tinh thần vì nước, vì dân, với tư duy, phương pháp luận phù hợp tình hình mới, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phân công rõ ràng nhưng phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả.

Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, với mục tiêu đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật theo Nghị quyết số 27 của Trung ương; Thủ tướng mong muốn và tin rằng những vấn đề được trao đổi tại Hội nghị sẽ là bài học, kinh nghiệm quý, những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thi hành luật, nghị quyết sẽ có phương án giải quyết phù hợp; sau Hội nghị sẽ có chuyển biến tốt hơn, tích cực hơn, hiệu quả hơn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan đối với công tác xây dựng và thực thi pháp luật.