Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.
Nhiều dự án BT bị vướng
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, ngày 20/4/2016, UBND TP và Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Công ty CII) ký kết Hợp đồng BT số 1802/HĐ-UBND về thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm.
Trong quá trình triển khai, TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ được bổ sung công trình xây dựng 4 cầu, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào Dự án BT và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung công trình xây dựng 4 cầu, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong (KĐTM) Thủ Thiêm.
Trong quá trình TP Hồ Chí Minh thực hiện công tác thẩm định, điều chỉnh dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong KĐTM Thủ Thiêm (theo hướng bổ sung công trình xây dựng 4 cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới), Thanh tra Chính phủ có Kết luận số 1037/KL-TTCP ngày 26/6/2019 về công tác quản lý nhà nước trong KĐTM Thủ Thiêm. Sau đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục có Kết luận liên quan đến nội dung trên.
Do đó, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh tập trung thực hiện các Kết luận của Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và rà soát pháp lý trước khi xem xét điều chỉnh dự án BT để triển khai thực hiện.
Ngày 18/6/2020, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức PPP số 64/2020/QH14 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Theo khoản 16 Điều 3 Luật PPP, các loại Hợp đồng PPP không bao gồm hợp đồng BT. Theo khoản 7 Điều 101 Luật PPP, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chuyển tiếp các dự án theo loại hợp đồng BT.
Từ những diễn biến mới về mặt pháp lý, ảnh hưởng đến các dự án UBND TP xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ ngành sớm có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp tục thực hiện chủ trương bổ sung công trình xây dựng 4 cầu, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT xây dựng hạ tầng Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong KĐTM Thủ Thiêm phù hợp với các quy định liên quan.
Về Dự án Quảng trường Trung tâm và công viên bờ sông trong KĐTM Thủ Thiêm: Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (Công ty Đại Quang Minh) thực hiện dự án 4 tuyến đường chính trong KĐTMTT theo hình thức BT với tổng vốn đầu tư 8.265 tỷ đồng. Giá trị quyền sử dụng đất các lô đất đã thanh toán cho Nhà đầu tư khoảng 12.490 tỷ đồng. Phần chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất và chi phí đầu tư tạm tính khoảng 4.225 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Đại Quang Minh đã nộp ngân sách 2.376 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 1.849 tỷ đồng (theo Kết luận Thanh tra là 1.800 tỷ đồng) chưa nộp ngân sách.
Để cân đối phần kinh phí nộp ngân sách còn thiếu, Công ty Đại Quang Minh đề xuất được thực hiện thêm Dự án Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong KĐTM Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng. Kiến nghị nêu trên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Công văn số 527/TTg-KTN ngày 21/4/ 2014, Công văn số 731/TTg-KTN ngày 22/5/2014…
Trên cơ sở đó, TP Hồ Chí Minh và Nhà đầu tư đã đàm phán thống nhất về việc sẽ thực hiện Dự án Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong KĐTM Thủ Thiêm; đồng thời quy định nội dung này tại Điều 21 Hợp đồng BT Dự án 4 tuyến đường chính (số 883/HĐ-UBND-M ngày 1/12/2014).
Theo Thông báo số 1037/TB-TTCP ngày 26/6/2019 và Thông báo số 1041/TB-TTCP ngày 26/6/2019, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP thu hồi về ngân sách Nhà nước khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung đối với Công ty Đại Quang Minh là 1.800 tỷ đồng và lãi suất chậm nộp từ khi phát sinh đến nay. Thực hiện theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, Công ty Đại Quang Minh đã nộp vào ngân sách TP Hồ Chí Minh số tiền 1.800 tỷ đồng vào ngày 12/12/2019…
UBND TP kiến nghị: Do đây là một công trình công cộng có ý nghĩa quan trọng trong KĐTM Thủ Thiêm, phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị lớn của TP, UBND TP xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về việc triển khai thực hiện dự án Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong KĐTM Thủ Thiêm trong thời gian sắp tới để đảm bảo phù hợp với các quy định có liên quan.
Vướng sử dụng quỹ đất để thanh toán cho dự án BT
Một trong những nhóm vấn đề được UBND TP tập trung kiến nghị tháo gỡ đó việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho các dự án BT. Theo UBND TP, về thủ tục thanh toán dự án BT tại thời điểm quyết toán đối với các dự án có chênh lệch giữa giá trị các quỹ đất thanh toán và giá trị dự án BT.
Đối với các Hợp đồng BT đã ký kết, giá trị các quỹ đất đã thanh toán cho các Nhà đầu tư có trường hợp thấp hơn chi phí đầu tư công trình BT. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ, trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán thấp hơn giá trị Dự án BT thì Nhà nước thanh toán phần chênh lệch cho Nhà đầu tư bằng tiền hoặc bằng quỹ đất tại thời điểm quyết toán dự án BT hoàn thành.
UBND TP Kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành nghiên cứu hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục thanh toán phần chênh lệch cho Nhà đầu tư bằng tiền hoặc bằng quỹ đất tại thời điểm quyết toán Dự án BT (sau khi đã xác định chính xác giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán trước đó) đảm bảo theo quy định hiện hành và hài hòa lợi ích của các bên trong hợp đồng BT.
Về việc sử dụng quỹ đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc để thanh toán cho các dự án BT. Đối với các dự án BT đã ký kết hợp đồng: Theo quy định chuyển tiếp tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ, đối với quỹ đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi thanh toán cho Nhà đầu tư.
Hiện nay, nhiều dự án BT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp đồng đang được triển khai và đang chuẩn bị thực hiện thủ tục thanh toán. Trong đó, nhiều hợp đồng BT dự kiến sử dụng quỹ đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc để thanh toán cho Nhà đầu tư.
Đối với các dự án đã hoàn tất thủ tục lựa chọn Nhà đầu tư nhưng chưa ký Hợp đồng: Đây là nhóm dự án được tiếp tục thực hiện chuyến tiếp theo quy định của Luật ppp. Hiện nay Thành phố đang rà soát, chuẩn bị quỹ đất để thanh toán cho các Hợp đồng BT thuộc nhóm dự án này.
UBND TP Kiến nghị: Căn cứ khoản 1 Điều 17 Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao một cơ quan đầu mối tiếp nhận xử lý và hướng dẫn TP trình tự đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng quỹ đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, UBND TP xin ý kiến về nội dung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT bao gồm danh mục quỹ đất dự kiến thanh toán cho các Hợp đồng BT hay danh mục quỹ đất dự kiến thanh toán cho từng dự án cụ thể.
Tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển mạnhPhát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chỉ còn 25 tuần nữa là kết thúc năm 2020, vẫn còn nhiều vấn đề lo lắng như giao thông, nhiều dự án chậm, đặc biệt là nhiều dự án bất động sản còn chậm trễ. Do vị trí và vị thế của TP Hồ Chí Minh là bộ mặt quốc gia, không được chậm trễ, phải nâng cao tính năng động sản tạo... cả hệ thống vào cuộc để đạt được kết quả cụ thể, chẳng hạn vấn đề giải phóng mặt bằng.
Tập trung giải quyết các dự án theo kết luận thanh tra, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, giải quyết nhanh, vướng mắc báo cáo ra chính phủ để xử lý, đừng để mang tiếng trì trệ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc nhấn mạnh: “Muốn tăng trưởng phải có đầu tư công, đầu tư tư nhân, ODA... theo tình thần tận dụng mọi nguồn lực để phát triển. Để giải quyết đầu tư tư nhân phải đảm bảo 2 yêu cầu không thất thoát tài sản nhà nước và tham nhũng. Chậm không đầu tư thì không phát triển, hậu quả lớn lớn... Không phát triển doanh nghiệp thì đổ vỡ, thất nghiệp, người dân khổ... cần kích thích, giữ doanh nghiệp, nâng cao khả năng tài chính doanh nghiệp”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp ngành phải tập trung ủng hộ TP Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm. TP Hồ Chí Minh cần đeo bám, nhắc nhở, các bộ trưởng có trách nhiệm giúp TP.
Về các công việc cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP cần kích cầu tiêu dùng vì tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Cần có các giải pháp kích cầu mạnh mẽ, lan tỏa cả nước, đưa hàng hóa đến tận tay công nhân khu công nghiệp, đến tận công nhân xã phường. Đề nghị hướng mạnh mẽ vào hướng dịch vụ như dịch vụ bất động sản, tài chính ngân hàng, du lịch... các ngành dịch vụ chiếm 60% GDP.
Đặc biệt là bất động sản, cả năm 2019 chỉ có một dự án bất động sản là không ổn. Phải quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, phát triển hạ tầng tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển, đây là thu thuế rất lớn, không cho phát triển thiệt hại rất lớn. Kinh tế đô thị, phải chú ý phát triển mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thúc đẩy rõ hơn kinh tế ban đêm, thêm 4 tiếng đóng góp từ 5 - 8% vào GDP... Thủ tướng cũng cơ bản đồng ý với các kiến nghị của TP tháo gỡ khó khăn cho các dự án lớn hiện đang bị vướng mắc về cơ chế thực hiện, về việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT... |