Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng: 'Vốn cho nền kinh tế phải đúng liều lượng'

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 2010 được xác định là năm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao hơn cả về số và chất lượng, đồng thời ngăn ngừa lạm phát cao trở lại.

KTĐT - 2010 được xác định là năm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao hơn cả về số và chất lượng, đồng thời ngăn ngừa lạm phát cao trở lại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng cao cả về số lượng và chất lượng, ngăn ngừa lạm phát sẽ là mục tiêu trọng tâm của các chính sách kinh tế trong năm 2010.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2009, hôm 5/1, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tăng cường phối hợp, triển khai kịp thời, sáng tạo các biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đạt tăng trưởng cao, đảm bảo an sinh xã hội và hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2010 đã được Quốc hội thông qua.

2010 được xác định là năm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao hơn cả về số và chất lượng, đồng thời ngăn ngừa lạm phát cao trở lại. Vì vậy, Chính phủ và các cơ quan chức năng có trách nhiệm tăng cường công tác dự báo, xử lý mối quan hệ giữa lãi suất tín dụng với tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế, quản lý tốt thị trường ngoại hối và nợ quốc gia; bảo đảm vốn và tính thanh khoản cho nền kinh tế phải đúng liều lượng. “Quan trọng là liều lượng phải phù hợp với từng lúc để vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vừa duy trì đà tăng trưởng hợp lý”, Thủ tướng lưu ý.

Nhìn lại năm 2009, Chính phủ đánh giá cao các quyết sách nhằm kích thích kinh tế, trọng tâm là gói hỗ trợ lãi suất, giảm, giãn thuế… Các đại biểu cho rằng đây là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý. Năm 2009, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn là một trong số ít các nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 5,32%.

Tuy nhiên, có những hạn chế trong chỉ đạo, điều hành kinh tế, xã hội như: một số chính sách chậm đi vào cuộc sống, hiệu quả thấp. Phản ứng chính sách chưa nhanh trong việc điều hành tỷ giá, lãi suất, quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng, bất động sản...

Các ban ngành, đoàn thể Trung ương cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến công tác quy hoạch, kế hoạch, tăng cường kiểm soát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, công ty nhà nước, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ chưa có nhiều chuyển biến mạnh mẽ.