Theo đó, sẽ chấm dứt việc thí điểm và cho phép TPL chính thức hoạt động trong phạm vi cả nước từ ngày 1/01/2016. Chế định TPL được biết đến ở nước ta vào đầu thế kỷ XX, khi "theo chân" người Pháp vào Việt Nam và tồn tại đến trước năm 1975. Trải qua biến thiên lịch sử, năm 2005, cụm từ này trở lại cùng hình thức "xã hội hóa" công tác thi hành án dân sự (THADS).
Đến nay, sau hai lần áp dụng "thí điểm" (từ năm 2009), TPL đã và đang được xã hội công nhận, góp phần "thanh khoản" công tác tư pháp, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước và giải quyết nhiều vụ việc bức xúc trong đời sống dân sinh.
Bài 1: Gập ghềnh “mở” đường
Hơn một thế kỷ thừa phát lại (TPL) có mặt ở Việt Nam, trải bao chế độ và giờ trở lại trong đời sống xã hội với mô hình dịch vụ công khá tiện ích. 5 năm tái lập định chế này là quãng thời gian khó khăn, nhọc nhằn với không chỉ những người làm chính sách (Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp) mà còn là thử thách đối với những người “thí điểm” thực thi định chế này.
Thừa phát lại Hai Bà Trưng tiến hành lập vi bằng cho người dân.
|
Tái lập chế định TPL
Khái niệm TPL chính thức trở lại đời sống người Việt khi được đề cập đến trong Nghị quyết 49/NQTW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Và sau đó được nêu tại dự thảo Luật THADS năm 2008, khi bối cảnh nước ta còn tồn đọng hàng trăm nghìn vụ án dân sự mỗi năm chưa được thi hành. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII khi ấy, rất nhiều ý kiến trái chiều về khái niệm này đã được đưa lên bàn nghị sự. Vượt qua một số nghi ngại, ngày 14/11/2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành Luật THADS, trong đó "giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định TPL (Thừa hành viên) tại một số địa phương".
Sau đó, Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, UBND TP HCM xây dựng và thực hiện đề án "Thực hiện thí điểm chế định TPL tại TP HCM". Đồng thời, ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TP HCM. Sau thành công bước đầu tại TP HCM, Quốc hội thông qua Nghị quyết 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL. Từ đó, Chính phủ quyết định mở rộng thí điểm mô hình TPL tại 12 địa phương mới gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long. Và sửa đổi Nghị định 61 thành Nghị định 135/2013/NĐ-CP (ngày 18/10/2013) để các Văn phòng TPL làm căn cứ thành lập và hoạt động.
Theo đó, TPL là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của pháp luật: tống đạt theo yêu cầu của TAND hoặc THADS; lập vi bằng (bằng chứng về sự kiện, hành vi); xác minh điều kiện THA; trực tiếp tổ chức THADS (trừ các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án).
"Quen với người già, xa lạ với người trẻ"
Khi bắt đầu thực hiện chế định này, rất nhiều cán bộ, công chức trong ngành tư pháp, hành pháp còn hiểu rất mơ hồ, thậm chí cán bộ quản lý nhà nước cũng chưa biết đến TPL. Và mặc dù đã trải qua 5 năm thực hiện thí điểm nhưng chế định này hiện còn rất xa lạ đối với đại đa số người dân, nhất là với người dân vùng sâu, vùng xa. Những người còn biết đến TPL ở miền Bắc đã trên 70 tuổi, ở miền Trung và miền Nam thì cũng 50 - 60 tuổi. Bởi vậy, đưa khái niệm TPL từ văn bản pháp luật vào cuộc sống là khó khăn lớn nhất khi thực hiện chế định này. Nhiều Văn phòng TPL mở ra nhưng không mấy ai biết, có khi thua lỗ cả năm trời đầu tiên như Văn phòng TPL quận 5 (TP HCM).
Ông Nguyễn Anh Dũng - Văn phòng TPL Hai Bà Trưng tâm sự: "Quen với người già, xa lạ với người trẻ là khó khăn lớn nhất đối thì với những người "mở đường" thực hiện TPL. Chúng tôi đã in hàng vạn tờ rơi tuyên truyền về TPL gửi đến 300 UBND xã, phường, thị trấn và tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, nói chuyện với cán bộ, đảng viên, người dân từ cấp huyện, ban, ngành đến cấp xã, rồi thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Dần dần, cán bộ tư pháp, hành pháp cũng đã hợp tác và người dân bắt đầu tìm đến chúng tôi ngày càng nhiều hơn".