Cơ hội mới cho xuất khẩu hàng Việt
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, hiện có 32% DN Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Còn theo khảo sát của Tạp chí Nikkei (Nhật Bản) thực hiện từ 19/3 - 19/4 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, có đến 52% ý kiến cho biết sẽ tăng mua hàng trực tuyến.
Nói về cơ hội XK hàng Việt thông qua TMĐT, Trưởng đại diện của Alibaba.com tại châu Á – Thái Bình Dương Kuo Yiling cho biết: Hiện nhiều chủ DN vừa và nhỏ trên thế giới thông qua mạng mua bán online để tiêu thụ, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng toàn cầu. Bởi đây là hình thức bán hàng trên mạng internet khá dễ dàng thực hiện, chi phí thấp hơn phương pháp kinh doanh truyền thống.
Đồng tình với phân tích này, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang cho rằng, TMĐT giúp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, nhân công và quảng cáo, mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng, đặc biệt là thời gian thực hiện giao dịch không giới hạn đối với tất cả khách hàng.
Đứng ở góc độ DN, Phó Giám đốc Công ty công nghiệp Ameco Ngô Thị Thanh Hiền chia sẻ, hiện nay 70% sản lượng của Ameco XK sang hơn 50 quốc gia trên thế giới thông qua TMĐT. “Thời kỳ hậu Covid-19 là thời điểm vàng để DN Việt Nam tiệm cận, phát triển TMĐT. Bởi việc bán hàng thông thường không thể thực hiện do hàng quán, các hội chợ thương mại quốc tế dừng tổ chức nên việc gặp gỡ đối tác đa phần thông qua TMĐT, mua bán online” - bà Thanh Hiền nói.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Mặc dù TMĐT là giải pháp giúp DN đẩy mạnh XK thời kỳ hậu Covid-19, tuy nhiên về lâu dài, các DN Việt đang gặp không ít khó khăn. Bởi hiện nay hầu hết DN Việt Nam sử dụng TMĐT trên nền tảng mạng xã hội sẵn có phổ biến như bán hàng online cá nhân, hộ kinh doanh thiếu vắng sự tham gia của các DN TMĐT quy mô lớn xuyên biên giới.
Nhà sáng lập kiêm CEO của Sàn giao dịch Tiki Trần Ngọc Thái Sơn nêu rõ: Quá trình chuyển đổi số của DN sản xuất gặp khó khăn nhất định do nguồn vốn, nhân lực và kiến thức kinh doanh trên TMĐT còn hạn chế, điều này dẫn đến việc DN không biết đến các chính sách hỗ trợ từ các sàn TMĐT.
“Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ để giúp các công ty công nghệ, TMĐT, bán lẻ… tiếp cận nguồn vốn giá rẻ trong ngắn hạn hoặc nới lỏng điều kiện lên sàn đối với các DN trong nước để tận dụng nguồn vốn đại chúng nhằm đẩy nhanh quá trình huy động vốn” - ông Sơn kiến nghị.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình phát triển TMĐT qua đó tăng kim ngạch XK, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 431/QĐ-Ttg Phê duyệt Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
“Để thực hiện Quyết định 431/QĐ-Ttg, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục điểm yếu, cũng như hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển TMĐT theo hướng hỗ trợ các ngành hàng XK chủ lực, phát triển TMĐT tại các địa phương” - ông Hải chia sẻ.
Thực tế để phát triển TMĐT giúp DN tăng kim ngạch XK thời kỳ hậu Covid-19, bên cạnh sự hỗ trợ của nước sở tại, chính bản thân DN nhất là DN đang XK hàng hóa vào thị trường EU nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung nên đầu tư vào đào tạo nhân sự có kiến thức, kỹ năng về vận hành website, gian hàng trực tuyến mới có thể khai thác thế mạnh TMĐT.
"Một nguyên tắc mà DN không thể bỏ qua khi XK hàng hóa thông qua TMĐT là phân công người làm việc liên tục, không chỉ vào múi giờ của quốc gia mình. Có vậy mới không bỏ lỡ những đơn hàng XK đến các quốc gia khác. Thông qua nền tảng TMĐT, các DN, nhất là DN nhỏ và vừa có thể XK và tiếp cận được những đối tác mua hàng trên toàn cầu. Nếu DN không nhanh chân sẽ bị bỏ lại phía sau ở sân chơi rộng lớn này." - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam Nguyễn Bình Minh |