Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện chiến dịch trục vớt siêu tàu Costa Concordia

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Costa Concordia-siêu tàu sang trọng bậc nhất của Italy, ngày 23/7 đã được các tàu kéo tiến hành lai dắt ra khỏi vùng đảo du lịch Isola del Giglio, nơi con tàu xấu số này bị đắm, để tiến về cảng Genoa chuẩn bị cho công tác phá bỏ.

Đây được xem là "chuyến hành trình cuối cùng" của siêu tàu du lịch này.

Thực hiện kế hoạch lai dắt tàu có 18 thủy thủ trên tàu Concordia, 12 tàu hộ tống và hai tàu kéo khổng lồ, để kéo "đống đổ nát" đi với tốc độ 3,7 km (2 hải lý)/giờ. Dự kiến, trong bốn ngày, đoàn tàu sẽ cập cảng Genoa, ở Tây Bắc Italy. 

Chiến dịch trục vớt và lai dắt tàu Costa Concordia được xem một trong những chiến dịch tốn kém nhất trong lịch sử hàng hải thế giới.
Siêu tàu Costa Concordia thực hiện chuyến hành trình cuối cùng trước khi bị phá bỏ. (Nguồn: AP)
Siêu tàu Costa Concordia thực hiện chuyến hành trình cuối cùng trước khi bị phá bỏ. (Nguồn: AP)
Ông Franco Porcellacchia, trưởng nhóm kỹ sư phụ trách kế hoạch lai dắt chia sẻ: "Thật khó để kìm nén cảm xúc lúc này" của những nhân viên cứu hộ như ông. Nhóm kỹ sư cứu hộ cảm nhận đây là một khoảnh khắc "đáng tự hào" trong nghề nghiệp khi đã nỗ lực lai dắt con tàu theo cách của họ.

Tàu Costa Concordia gặp nạn khi đang trong hành trình du lịch quanh Địa Trung Hải. Tàu đã va vào bãi đá ngầm gần đảo Giglio của Italy tối 13/1/2012. 

Lúc đó, con tàu dài 290 m và nặng 114.500 tấn này đang chở tới 4.229 người gồm hành khách và thủy thủ đoàn từ 70 quốc gia, song chủ yếu là người Italy. 

Trước khi xảy ra tai nạn, Costa Concordia "tự hào" là tàu du lịch hiện đại thượng hạng với 58 phòng có ban công, 5 nhà hàng, 13 quầy bán rượu, 5 phòng massage cao cấp và 4 bể bơi. 

Tai nạn thương tâm xảy ra đã khiến nhiều người cho rằng lịch sử bi thảm của con tàu huyền thoại Titanic đang lặp lại với Costa Concordia và ví vụ tai nạn này như là "thảm họa Titanic" của Italy.