Cục Quản lý giá cho biết, đã có 55 tỉnh, thành phố thực hiện chế độ báo cáo giá thị trường theo quy định và thực hiện chức năng tham mưu về công tác quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thực hiện chế độ đăng ký giá, kê khai giá, tỉnh An Giang đã tiếp nhận hồ sơ của 151 doanh nghiệp, trong đó có 12 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gas, 173 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xăng dầu, phát hiện 10 hồ sơ đăng ký, kê khai không phù hợp với yếu tố đầu vào. Tại Đà Nẵng có 7 hồ sơ đăng ký giá, 2 hồ sơ kê khai giá của 7 doanh nghiệp. Các tỉnh Quảng Bình; Phú Thọ; TP. Hà Nội có 25 hồ sơ đăng ký giá, 14 hồ sơ kê khai giá. Sóc Trăng; Vĩnh Long có 10/12 tổ chức, cá nhân kinh doanh gas đăng ký lại giá; 13/35 tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải kê khai tăng giá vé...
Cục Quản lý giá cho biết, thực hiện Chương trình bình ổn thị trường tại TP. HCM, 12 chợ bán lẻ trên địa bàn thành phố, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường với tiêu chí thấp hơn giá thị trường từ 5%-10%. Cụ thể: Giá gạo thấp hơn giá thị trường 6,8%-17,4%; đường ăn thấp hơn từ 5,8%-8%; dầu ăn thấp hơn 7,9%; thịt gia cầm thấp hơn 13,6%-22,5%; thịt gia súc thấp hơn từ 5%-6,1%; trứng gia cầm thấp hơn 5,4%.
Ngoài ra, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố như: An Giang, Cà Mau, Cao Bằng, Hoà Bình, Hà Tĩnh, Long An, Kon-Tum, Khánh Hoà đã phối hợp với các sở, ngành tăng cường thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống gian lận thương mại, thực hiện bình ổn giá thị trường, kiềm chế lạm phát... Tại An Giang đã thanh tra, kiểm tra 3.021 vụ, xử lí vi phạm 1.454 vụ, tổng tiền xử phạt thu là 25 tỷ đồng.
Trong những tháng đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã tăng cường công tác quản lý và bình ổn thị trường giá cả. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 5-12-2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, trong đó, chỉ đạo Sở Tài chính và các đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc cơ quan Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan có liên quan trên địa bàn thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và góp phần bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết.
Để kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá năm 2013 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 tại địa phương, Bộ Tài chính đã chủ trì tổ chức các đoàn công tác tại một số tỉnh, thành phố, đồng thời đã tham gia đoàn công tác liên ngành với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc tại một số địa phương.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch thực hiện bình ổn giá; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí; kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ và thực hiện nghiêm quy định về kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhất là đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá.
Về chế độ báo cáo tình hình giá cả thị trường, trong 3 tháng đầu năm, các địa phương đã thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về Cục Quản lý giá. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, các địa phương đã nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày, bảo đảm tiến độ, nội dung theo yêu cầu.