Thưa ông, có thực sự cần thiết phải thực hiện tuyến buýt nhanh BRT 02 không?
- Tôi cho là rất cần thiết. Bởi hiện nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc có khoảng 20.000 cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên đến làm việc, học tập hàng ngày. Nếu có xe buýt BRT vận chuyển khối lượng lớn, chúng ta sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại cho họ; đồng thời hạn chế được hàng vạn phương tiện cá nhân lưu thông trên trục đường nối trung tâm với khu vực này.
Xin ông cho biết cách thức triển khai và vận hành tuyến buýt BRT 02?
- Hiện có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện tuyến buýt BRT 02, đặc biệt là về hạ tầng và phương tiện. Lượng xe buýt BRT nhập về theo dự án ban đầu là 35 chiếc. Mới chỉ có 24 chiếc được đưa vào vận hành trên tuyến BRT 01. Như vậy chúng ta đã có sẵn lượng phương tiện để đưa vào hoạt động trên tuyến BRT 02. Ngoài ra, lộ trình tuyến BRT 02, đoạn trong nội đô cũng trùng với lộ trình tuyến BRT 01. Với hệ thống nhà chờ có sẵn, chúng ta chỉ cần bổ sung thêm 1 - 3 nhà chờ nữa là hoàn thiện. Tại điểm đầu cuối Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý khu cũng đã thống nhất sẽ tự xây dựng nhà chờ để phục vụ hành khách. Trong khu vực nội thành, xe buýt BRT 02 vẫn sẽ đi chung làn đường riêng với tuyến BRT 01. Ra khỏi trung tâm, xe sẽ chạy trên Đại lộ Thăng Long, không cần làn đường riêng vẫn đủ điều kiện vận hành theo đúng chuẩn buýt nhanh.
Bao giờ tuyến BRT 02 được vận hành và liệu sẽ gặp khó khăn như tuyến 01 không, thưa ông?
Tuyến buýt BRT 01 là lần đầu chúng ta thực hiện một tuyến buýt nhanh nên khó lòng tránh khỏi những khó khăn về vốn, về tiến độ, về cách thức thực hiện... Nhưng tuyến BRT 02 này, tôi tin chắc sẽ loại trừ được hầu hết vấn đề phát sinh đó. Chúng ta đã có sẵn hạ tầng, phương tiện, có kinh nghiệm thực hiện tích lũy được từ tuyến BRT 01, có sự ủng hộ của Nhân dân thì không có gì phải lo ngại. Khi UBND TP Hà Nội chấp thuận chúng tôi sẽ triển khai ngay.
Xin cảm ơn ông!